Có bao giờ bạn tự đặt cho mình câu hỏi: Lỡ như một ngày toàn bộ tiền mặt đều biến mất, và cả thế giới giờ đây giao dịch mọi thứ hoàn toàn thông qua blockchain và công cụ tiền ảo (cryptocurrency)? Con người sẽ chuyển đổi từ việc lúc nào cũng mang bên mình chiếc ví chứa đầy các loại thẻ tín dụng và tiền mặt sang sử dụng một hình thức mới hơn, thuận tiện hơn gọi là ví điện tử (E-wallet), nơi để con người cất giữ, lưu trữ và bảo mật những đồng tiền kỹ thuật số của mình (digital currency). Tiền mặt sẽ không còn hữu dụng và khái niệm tiền định danh (fiat currency) cũng theo đó mà tan biến?
Cho những ai chưa biết đến fiat currency là gì, thì theo định nghĩa đơn thuần, fiat currency hay fiat money (tiền định danh, tiền pháp định) là loại tiền tệ không có giá trị nội tại (như vàng, đá quý hay kim cương) mà được gắn lên mình giá trị nhất định nhờ quyền lực của Chính phủ và được xác lập mang tính hợp pháp để giao dịch theo quy định Nhà nước. Vì lẽ đó, không phải tự nhiên một tờ giấy bạc lại được mang trên mình nhiều giá trị khác nhau, đóng vai trò như một công cụ để trao đổi mua bán và giao dịch thông dụng từ đó đến giờ. Bởi lẽ, tiền định danh luôn được “xăm” trên mình những con số series để Chính phủ có thể dễ dàng theo dõi và kiểm soát số lượng tiền được xuất ra ngoài thị trường. Vậy câu hỏi đặt ra là, nếu tương lai nơi mà fiat currency hoàn toàn bị thay thế bởi crypto currency, hay một loại tiền kỹ thuật số nào đó khác, thì chẳng phải Chính phủ sẽ mất đi cái quyền lực nắm quyền kiểm soát đối với thị trường tiền tệ cũng như giao dịch của người dân hay sao? Nếu thế thì chuyện đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra được đâu nhỉ, vì làm gì có việc Chính phủ lại “nhân nhượng” lùi một bước như thế …
Nhưng bạn biết không, mình vẫn tin vào một thế giới tương lai nơi cryptocurrency có thể phát triển đến mức đáng mong đợi như vậy đấy
Và …
để mị nói cho mà nghe lý do nhé:
Sự phát triển của Web 3.0, khái niệm Internet of Things (IoT) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI Technology)
Tình hình rất ư là tình hình, khi mà bắt đầu từ giai đoạn đầu của thế kỷ 21, cả thế giới dần được chứng kiến sự tiến hóa của cái gọi là Internet. Nhớ lại từ những ngày đầu của lịch sử sơ khai, khi mà Internet và máy tính xuất hiện, hỗ trợ con người trong nhiều mặt trận về tìm kiếm thông tin cũng như nghiên cứu dữ liệu. Công cụ tìm kiếm, điển hình và thông dụng nhất là Google search, đã ra đời để giúp một người không biết làm bánh có thể tìm kiếm công thức trên mạng, giúp một chú bé vô tình nghe được một bản nhạc hay có thể biết được thông tin về bài hát đó, chỉ bằng việc gõ những lời ca lên công cụ tìm kiếm và nhấn nút search, hay trợ giúp một nhóm bạn tìm kiếm thông tin về quán cà phê ưa thích. Dần dà, thế giới đó đã trở thành một nơi mà người cung cấp và người tiếp nhận thông tin có thể tương tác qua lại với nhau, những người đam mê làm bánh có thể để lại bình luận trên những công thức họ yêu thích, có thể chia sẻ, nhắn tin hay thậm chí là quyên góp để thể hiện sự cảm kích với người chủ website vì đã chia sẻ thông tin. Bạn bè dễ dàng liên lạc, trao đổi, quan tâm đến cuộc sống của nhau thông qua status, bài viết hay đơn thuần là story trên mạng xã hội, dù cho có muôn trùng cách trở hay trái ngang về mặt giờ giấc. Để rồi giờ đây, việc tương tác và tìm kiếm thông tin lại dễ dàng hơn cả khi máy tính và điện thoại không còn là hai thiết bị duy nhất có thể kết nối được với Internet (IoT), cũng như sự xuất hiện của các “trợ thủ đắc lực” như Siri hay Google Assistant, được xây dựng dựa trên trí thông minh nhân tạo AI, đã góp phần không nhỏ vào 24 tiếng bận rộn của con người mới trong thời đại mới.
Đó là còn chưa kể đến, khi thế hệ tiếp theo của Internet – Web 3.0 đang mon men ló dạng với sự phát triển và ứng dụng ban đầu của công nghệ Blockchain, thì con người lại càng nhận ra những lợi ích mà nó mang lại. Đâu phải đơn thuần mà người người nhà nhà đều kéo nhau đi tìm tòi, nghiên cứu lẫn chiêm nghiệm về thị trường tiền ảo, dù mới chớm và có rủi ro thua lỗ song ở phía cuối con đường tích lũy kinh nghiệm đó, vẫn đang chờ đợi vô vàn điều xứng đáng. Và cũng đâu phải tự nhiên, công nghệ Blockchain đang được các doanh nghiệp đua nhau đưa vào ứng dụng thực tiễn, điển hình nhất là việc phát hành thư tín dụng điện tử L/C áp dụng Blockchain để việc mua và bán giữa hai bên (người xuất khẩu và nhập khẩu) được diễn ra an toàn, tuân thủ đúng quy định nhưng vô cùng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với quy trình L/C truyền thống.
Blockchain vẽ ra một thế giới nơi ngân hàng không còn là trung gian
Tất cả là nhờ vào nền tảng web phi tập trung (Decentralization) mà Blockchain sở hữu. Ở hệ thống tập trung (Centralization), ngân hàng là bên thứ ba trung gian đứng giữa, hoạt động như một cầu nối để liên kết bên A và bên B mỗi khi thực hiện giao dịch mua bán hay trao đổi tiền tệ. Tất nhiên, điều không thể tránh khỏi là ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ các thể loại phí từ việc cung cấp dịch vụ tận tình như vậy. Nhưng có bao giờ bạn thử để ý, các thể loại phí đó đến một lúc nhất định nó sẽ vô cùng phiền phức, bởi lẽ nó không chỉ xuất hiện một lần duy nhất mà sẽ tùy thuộc vào số lần chúng ta thực hiện giao dịch (như chuyển tiền trong và ngoài nước), các bước chúng ta phải làm để tiến hành mở tài khoản hay đăng ký thẻ tín dụng, cũng như tùy thuộc vào số tiền mà chúng ta đang nhờ ngân hàng giúp giao dịch là bao nhiêu.
Ở nền tảng hệ thống phi tập trung, vai trò của ngân hàng cũng như các chi phí phát sinh cho bên trung gian thứ ba sẽ hoàn toàn bị loại bỏ, bởi lẽ mọi giao dịch đều sẽ được thực hiện, lưu trữ và bảo mật dựa trên các mã code được đăng ký trên Blockchain và được kiểm chứng bởi cộng đồng. Chúng ta sẽ không còn phải phụ thuộc vào ngân hàng hay thanh toán các chi phí phiền phức không đáng có nữa. Giao dịch sẽ được tiến hành trực tiếp giữa bên A và bên B một cách tiết kiệm thời gian nhất với sự an toàn cao nhờ tính năng lưu trữ dữ liệu riêng biệt trên nền tảng Blockchain.
Tính bảo mật cao nhờ cơ chế hoạt động theo hệ thống đẩy (push system)
Cách thức hoạt động của các loại thẻ tín dụng hiện thời và thông qua ngân hàng trung gian là dựa trên hệ thống kéo (pull system), khi mà chỉ cần nắm trong tay đầy đủ các thông tin cần thiết trên thẻ thì bất kỳ người nào cũng có thể tiến hành “kéo” tiền ra khỏi chiếc thẻ cứng cáp đó của bạn. Vì lý do đó, mỗi chúng ta đều phải rất thận trọng mỗi khi cung cấp thông tin thẻ cho một cá nhân hay tổ chức nào đó, vì ở mỗi lần như vậy luôn đi kèm theo sự gia tăng rủi ro mất tiền một cách không chính đáng. Ngay cả ngân hàng cũng không thể giải quyết hay bồi thường cho số tiền bị đánh cắp của bạn, vì nguyên lý hoạt động ngay từ đầu đã có lỗ hổng như vậy rồi.
Mặt khác, cryptocurrency lại hoạt động dựa trên nguyên lý hệ thống đẩy với toàn bộ quyền kiểm soát, phân bổ và luân chuyển đồng tiền nằm ở trong tay của người chủ sở hữu đồng tiền đó. Khi có nhu cầu thực hiện một giao dịch bằng crypto, chúng ta chỉ cần sử dụng chiếc ví điện tử để “đẩy” số tiền đó vào tài khoản người nhận mà không cần phải cung cấp bất cứ một thông tin nào hay sợ hãi lo lắng vì ai đó có thể nắm trong tay quyền chi phối tài sản của mình.
… Và đương nhiên, để có thể đến được tương lai nơi cryptocurrency hoàn toàn thay thế được tất thảy số tiền mặt trên thị trường này không phải là chuyện một sớm một chiều, chưa kể đến việc đồng tiền ảo này vẫn phải cần có sự chứng nhận hợp pháp từ Chính phủ khi nó không mang trong mình giá trị nội tại như vàng hay kim cương … nhưng biết đâu khả năng đó lại có thể xảy ra thì sao nhỉ?