Mỗi ngày có hàng ngàn hàng vạn tác phẩm NFT mới được ra đời. Kéo theo đó là sự chênh lệch giá cả đến mức chóng mặt. Có bao giờ bạn mua được một tác phẩm giá hời, khởi điểm ban đầu chỉ vỏn vẹn có vài đô la. Rồi sau khi sở hữu nó được một thời gian, bỗng một ngày bạn nhận ra mình sẽ trở nên giàu có vì đang nắm trong tay thứ tài sản kỹ thuật số lên tới hàng ngàn đô la? Ngay lúc ấy chỉ cần bán đi tài sản đó thì chả phải bạn đã đầu cơ được một khoản tiền hợm hĩnh rồi hay sao ….
Hay như việc người người nhà nhà vẫn luyên thuyên với nhau rằng các tác phẩm NFT cơ bản vẫn là một phạm trù nghệ thuật, mà khi nói về nghệ thuật thì làm gì có được một công thức quy đổi giá nhất định. Ngay từ những ngày đầu sơ khai nhất, chúng ta cũng đã hiểu rõ điều đó khi một bức tranh vô cùng nguệch ngoạc, trừu tượng đến mức khó hiểu lại có thể được định giá hàng triệu đô la, vẫn là chuyện hết sức bình thường. Và hơn cả là số lượng người muốn sở hữu các tác phẩm như vậy cũng không chỉ vỏn vẹn trên đầu ngón tay. Vậy lý do là gì? Là do tài năng của người nghệ sĩ quá đỗi xuất chúng nên đã truyền đạt được một thông điệp nào đó qua những nét vẽ nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất đỗi uyên thâm? Và cũng là do những con mắt am tường nghệ thuật kia có thể nhìn ra được câu chuyện truyền cảm hứng đằng sau mỗi tác phẩm “triệu đô” như vậy? Hay bản chất nằm ở việc tác phẩm đó đã đáp ứng và thể hiện đúng nhu cầu, mong mỏi, khao khát, ước mơ của người mua, còn người mua thì đơn giản là có đủ khả năng để chi tiền cho tác phẩm đó? ….
~ Nhưng dù gì, đó cũng không phải là câu chuyện của nghệ thuật kỹ thuật số ở thời điểm bây giờ nữa ~
Thừa hưởng những tính năng của nền tảng Blockchain, sự ra đời và phát triển của NFT nói chung và NFT Art nói riêng đã giúp mọi người ai ai cũng đều có thể tạo ra một tác phẩm cũng như trở thành một người nghệ sĩ. Việc định giá như thế nào cho các tác phẩm của mình là điều hết sức nan giải, vì làm sao để lên được mức giá hợp lý nhưng vẫn thu hút trong mắt các nhà đầu tư, hay phải định giá thấp hay cao khi bản thân chưa có kinh nghiệm nhưng tự nhận định là tác phẩm của mình rất chất lượng và sẽ được nhiều người ưa thích? Rồi khi bản thân chính người dùng lại là nhà đầu tư, thì nên quyết định “chốt đơn” cho tác phẩm nào để nắm chắc phần thắng sinh lời trong tương lai, khi thực trạng hiện tại sự chênh lệch lớn về mặt giá cả là điều vô cùng nhức nhói trong thế giới NFT Art.
Giá cả chênh lệch giữa các NFT suy cho cùng vẫn là sự xứng đáng?…
Nói về kiến thức cơ bản một tí, chúng ta đều biết bản chất của NFT là non-fungible token, tức là những token không thể thay thế được. Khác với 2 tờ trị giá 50 đô la có thể được quy đổi cho 1 tờ 100 đô la, đã gọi là NFT thì mỗi tác phẩm tạo ra đều tồn tại độc lập với nhau, dù có cùng giá trị 100.000$ đi chăng nữa thì hai tác phẩm bất kì cũng không bao giờ thay thế cho nhau được. Mỗi NFT chính vì thế là độc nhất vô nhị và sở hữu những giá trị của riêng mình. Người chủ tác phẩm NFT, hay còn gọi là người nghệ sĩ và những người sau này sở hữu tác phẩm đó đều được hưởng lợi từ tính thông minh và bảo mật của Blockchain. Cụ thể hơn, Blockchain sẽ là nơi lưu trữ và khẳng định rằng ai là người tạo ra tác phẩm gốc (original), còn những người mua lại tác phẩm đó sẽ được công nhận là người chủ sở hữu duy nhất, vì cùng một lúc không thể có hai người cùng sở hữu một tác phẩm được (tính sở hữu duy nhất). Vì lẽ đó nên bất cứ ý tưởng nào cũng có thể trở thành NFT và được rao bán với mức giá khủng đến cỡ nào.
Bên cạnh các tính năng vốn có của NFT, chúng ta cũng không thể ngó lơ sự hiện diện của một vài yếu tố khác. Thứ nhất, giá cả một vật phẩm NFT phụ thuộc khá nhiều vào tính nghệ thuật của vật phẩm đó. Một bức tranh được đầu tư kỹ lưỡng, công phu với những chi tiết và thiết kế đẹp mắt lúc nào cũng sẽ thu hút không ít ánh mắt tò mò. Hay một tác phẩm nhìn sơ qua có vẻ đơn giản nhưng lại ẩn chứa bao điều to lớn viển vông khác, thật sự rất xứng đáng được bỏ tiền ra mua bởi những ai thích sự bí ẩn trong nghệ thuật. Yếu tố thứ hai, nếu có bao giờ ta thắc mắc vì sao giá của một NFT nào đó quá cao nhưng lại được thành công rao bán dễ như trở lòng bàn tay, thì hãy chậm lại một nhịp và nhìn vào lịch sử bán ra của công ty hay cá nhân đứng đằng sau NFT đó nhé. Nếu các sản phẩm trước đó có doanh thu bán khá tốt, thì các sản phẩm về sau sẽ có xu hướng tăng giá do giá trị sản phẩm và giá trị thương hiệu đã tăng. Có bao giờ bạn kỳ vọng rằng sẽ chi trả ít hơn 100.000 VND cho 1 ly Starbucks chưa? Starbucks mắc là thế, nhưng người người nhà nhà có khả năng chi trả vẫn không ngại chi tiền để uống thậm chí là mỗi ngày còn gì. Yếu tố cuối cùng không thể không nhắc đến, chính là mối liên hệ giữa cung và cầu. Nếu nhu cầu cho một tác phẩm được dự đoán sẽ rất cao, thì giá sản phẩm sẽ tăng theo, ngược lại nếu nhu cầu cho việc mua các tác phẩm NFT giảm thì giá sẽ cũng sẽ phải ở mức hợp lý nhằm mục đích kích cầu.
Nhắc nhẹ đến tác phẩm Cryptopunks #5822 tí nào
Ví dụ điển hình nhất cho việc NFT có thể được rao bán ở mức giá bất hợp lý đến mức khó tin, không gì khác chính là sự kiện tác phẩm Cryptopunks #5822 vừa được bán với mức giá 8.000 ETH, tương đương $23.7 triệu, vượt xa kỷ lục trước đó của các NFT khác nhà Cryptopunks. CEO Deepak Thapliyal chính là chủ sở hữu hiện tại của bức hình đại diện người ngoài hành tinh hiếm có nhất của Cryptopunks. Vì chỉ có duy nhất 9 NFT như vậy trong tổng số 10.000 NFT trong bộ sưu tập Cryptopunks, khiến cho mức giá của nó được rao bán cao hơn bao giờ hết. Việc các NFT trong bộ sưu tập hiện tại được bán với giá hàng triệu đô la chính là tiền đề cho lợi nhuận tương lai của Cryptopunks, khi mức độ nổi tiếng và giá trị sản phẩm của thương hiệu này đã tăng lên và các nhà đầu tư NFT sẽ không muốn bỏ qua nó.
… Hay vốn là sự ảo giá để nhằm mục đích trục lợi cá nhân?
Và rồi bạn có biết rằng, không hiếm những trường hợp nhăng nhẳng ngoài kia nơi mà giá của một NFT thật sự rất cao, song điều đó không đi kèm với việc giá trị của NFT đó cũng xứng đáng như vậy. Nói đơn giản thế này nhé, hãy tưởng tượng bạn đúc một vật phẩm NFT và rao bán nó với mức giá 200 đô la. Bạn mua chính tác phẩm đó của mình và lại rao bán, nhưng ở mức giá cao hơn là 2000 đô la. Bạn tiếp tục mua lại tác phẩm đó và bán với giá 10.000 đô la. Lặp lại động tác đó một lần nữa, và lần này bạn đề cập mức giá ngất ngưởng vào tầm 25.000 đô la hơn. Việc cần làm bây giờ, chính là một người đến “hốt” tác phẩm đó đi, vì họ tự tin mình sẽ nắm trong tay một món hời đang thể hiện dữ liệu tăng giá hết sức ổn định và khả năng sinh lời cao trong tương lai. Nếu là bạn, bạn có quyết định chi 25.000+ đô la cho NFT này không, khi nó tăng vọt từ giá khởi điểm chỉ vỏn vẹn 200 đô la đến mức giá hiện tại, ai biết được nó sẽ còn tăng đến mức nào trong thời gian sắp tới nữa chứ, đúng không nào?
Vậy nếu bạn biết tất cả chỉ là một sự sắp đặt và vở diễn khéo léo của chính người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm đó, bạn có chắc sẽ còn muốn đầu tư cho NFT đó nữa hay không? …
Có một sự khác biệt giữa thị trường nghệ thuật truyền thống và thế giới NFT mà ai cũng phải biết khi đã bước chân vào, là việc người nghệ sĩ sẽ luôn nhận được mức thù lao cho mỗi một lần tác phẩm của họ được bán ra. Con số đó dao động trong khoảng 10% đến 20% trên giá bán, tức tác phẩm được bán ra với giá càng cao thì mức thù lao cho người nghệ sĩ gốc càng nhiều. Hiểu được tính năng hoạt động này của thị trường NFT, phải chăng những người nghệ sĩ, dù là cá nhân hay thậm chí là tổ chức lớn, có thể kiếm cách để một NFT được bán với giá cao nhất có thể hay sao? Nếu đó là sự thật của việc đầu tư NFT hiện tại, vậy thì cần gì bàn đến giá trị khi sự hiện diện và hành động của những kẻ xấu đó, lợi dụng công nghệ và bản chất của Blockchain để truyền thông bẩn cho thương hiệu cũng như trục lợi cho chính bản thân, vốn đã làm mục rửa đi giá trị của chính người nghệ sĩ đó và cũng là giá trị của một tác phẩm nghệ thuật?
Về phía mình, mình không phủ nhận rằng sự ảo giá cho NFT vẫn đang hiện diện đâu đó ngoài thị trường kia, nhưng cũng không thể vì có kẻ xấu mà ta cho rằng không còn người tốt trên thế giới này được, đúng không nào? Việc nhìn nhận đúng đắn các thực trạng và rủi ro phải đối mặt khi đầu tư NFT sẽ giúp chúng ta tỉnh táo hơn, chậm rãi hơn, nghiên cứu kỹ càng hơn trước khi quyết định chi hàng triệu đô la cho bất kỳ một tác phẩm mang mác nghệ thuật kỹ số nào đó. Nếu một NFT thật sự mang trong mình hơi thở của nghệ thuật, được xác định rõ ràng về tính minh bạch của người rao bán nó, với một mức giá chấp nhận được và có khả năng sinh lời trong tương lai, nói chung tất cả mọi thứ đều xứng đáng để chi tiền cho việc sở hữu nó, thì liệu bạn có dám hay không?