Nhắc đến blockchain, chắc mọi người sẽ nghĩ ngay đến ứng dụng rõ rệt nhất của nó là bitcoin và sự thịnh hành vốn còn gây nhiều tranh cãi của thị trường tiền ảo. Nhưng sinh ra đã là thứ giàu tiềm năng, một nền tảng công nghệ đột phá, một sự phát triển vượt bậc của thời đại kỹ thuật số, thì liệu rằng blockchain chỉ có mỗi ứng dụng như thế? Blockchain được tạo ra với mục đích mọi thông tin dữ liệu của một giao dịch đều được bảo mật, cất giữ an toàn, lưu trữ và xử lý trên một hệ thống nhất định dựa trên khái niệm các khối (block) thông tin liên kết chặt chẽ với nhau trên một mạng lưới chung (chain). Thay đổi thông tin hay bất cứ gì liên quan đến một khối sẽ ảnh hưởng hay yêu cầu sự điều chỉnh của các khối liền kề nó. Chính vì lý do đó, blockchain gần như loại bỏ được các mối lo về việc lừa đảo, đánh cắp dữ liệu hay thiếu bảo mật thông tin đang còn nhăng nhẳng ở tất cả mọi lĩnh vực ngoài thị trường.


            Sự “độc nhất vô nhị” ấy của blockchain có thể mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp lẫn cá nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực hay chuyên môn đặc thù về số liệu, yêu cầu sự bảo mật cao, hạn chế rủi ro thấp nhất và xử lý thông tin nhanh gọn. Từ việc áp dụng vào khâu kiểm soát chất lượng hay truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở bên sản xuất, đến việc quản lý, lưu trữ và liên kết thông tin của bệnh nhân liên bệnh viện trong lĩnh vực y tế, công nghệ blockchain đang dần chứng tỏ được sự phát triển tiềm năng khi ở một tương lai không xa, phần lớn các công ty đều sẽ ứng dụng triệt để blockchain cho việc vận hành và quản lý doanh nghiệp.

            Mà nói chi đến tương lai, ngay thời điểm hiện tại cũng đã có những cái tên vốn đáng gờm nay lại càng gây chú ý hơn khi thành công ứng dụng công nghệ blockchain này vào công cuộc thực tiễn. Điển hình trong số đó, ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) gần đây đã ghi dấu ấn khi tuyên bố chính thức áp dụng blockchain trong dịch vụ thương mại thư tín dụng (L/C), sau thời gian thử nghiệm từ tháng 12/2020. Sự triển khai đó đã giúp MB Bank trở thành ngân hàng TMCP đầu tiên tại Việt Nam gia nhập mạng lưới Contour –  một mạng lưới tài chính thương mại toàn cầu bao gồm các ngân hàng lớn như HSBC, Standard Chartered hay Bangkok Bank. Sự gia nhập này đánh dấu phát triển và tạo tiền đề lớn cho MB Bank về sau, khi có thể tiếp cận phương thức giao dịch tài chính ổn định, chặt chẽ, bảo mật cao, không giới hạn quốc gia hay vùng lãnh thổ, nhanh chóng và chuẩn xác dựa trên việc ký kết hợp đồng điện tử nơi mà mọi thông tin được lưu trữ, kê khai, đối chiếu một cách minh bạch và chuẩn hóa.

            Vậy dịch vụ L/C là gì và tại sao việc áp dụng thành tựu blockchain vào nó lại mang đến tiện ích đáng trải nghiệm? L/C, hay còn biết đến với tên đầy đủ là Letter of Credit, là một dạng thư tín dụng đóng vai trò cam kết giữa người nhập khẩu (người mua) và người xuất khẩu (người bán, trong đó ngân hàng sẽ trung gian đảm bảo về việc thanh toán một khoản tiền cho người bán trong một khoảng thời gian nhất định, khi người bán xuất trình được các giấy tờ liên quan được đề cập trong L/C theo yêu cầu của người mua. Thương mại quốc tế mang đến nhiều cơ hội giao thương nhưng cũng đi kèm không ít rủi ro, bao gồm khoảng cách địa lý, sự thiếu tin tưởng song phương vì chưa thật sự hiểu rõ về phía công ty đối tác hay sự khác biệt về luật pháp hành chính của mỗi quốc gia. Vì thế, thư tín dụng L/C được lập ra để xây dựng sự đảm bảo về quyền và lợi ích cho cả người bán lẫn người mua, phá bỏ những rào cản vốn có của giao thương quốc tế. Để thực hiện hình thức tín dụng chứng từ  L/C, các bên liên quan chính yếu gồm có người yêu cầu phát hành thư (Applicant, tức người mua), người được hưởng lợi thư tín dụng (Beneficiary, tức người bán), ngân hàng phát hành thư tín dụng (Issuing bank, là ngân hàng của người nhập khẩu) và ngân hàng thông báo (Advising bank, là ngân hàng của người xuất khẩu).

Một quy trình thanh toán L/C cơ bản sẽ gồm các bước sau:

  1. Người nhập khẩu (người mua) gửi yêu cầu cho ngân hàng nhập khẩu mở thư tín dụng L/C, dựa trên điều khoản đề ra trên hợp đồng
  2. Ngân hàng đại diện bên phía nhập khẩu (Issuing bank) sẽ mở L/C và gửi L/C cho ngân hàng đại diện bên phía xuất khẩu (Advising bank)
  3. Ngân hàng xuất khẩu kiểm tra L/C và gửi L/C cho người xuất khẩu
  4. Người xuất khẩu giao hàng cho người nhập khẩu theo quy định trên L/C
  5. Người xuất khẩu soạn chứng từ của đơn hàng theo yêu cầu đề ra trên L/C và gửi cho ngân hàng xuất khẩu
  6. Ngân hàng xuất khẩu sau đó sẽ kiểm tra và gửi tiếp bộ chứng từ đó cho ngân hàng nhập khẩu
  7. Ngân hàng nhập khẩu tiếp nhận, kiểm tra xem chứng từ đó đã khớp với quy định trên L/C chưa. Nếu phù hợp ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển tiền cho ngân hàng xuất khẩu
  8. Ngân hàng xuất khẩu nhận tiền, thông báo trạng thái tiền đã chuyển vào tài khoản của người xuất khẩu
  9. Ngân hàng nhập khẩu xuất trình chứng từ cho người nhập khẩu kiểm tra (qua scan bản gốc và email), sau đó nhận trực tiếp bộ chứng từ tại ngân hàng gốc.

            Quy trình hoàn chỉnh của dịch vụ thư tín dụng L/C gồm rất nhiều bước nhỏ lẻ, được thực hiện kỹ lưỡng nhằm đảm bảo sự an toàn và chuẩn xác cho cả hai bên người bán và người mua. Vì lẽ đó nên L/C tốn rất nhiều thời gian cũng như chi phí chi trả cho các ngân hàng trung gian đại diện, phải thế thì mới an tâm được rằng người bán vẫn sẽ nhận được tiền (từ ngân hàng theo quy định trên L/C) dù người mua không chi trả, hay người mua sẽ chỉ phải trả tiền khi hàng hóa được giao thành công cộng với điều kiện người bán thực hiện đúng theo quy định trên L/C đề ra từ trước. Có thể nói, L/C giống như sợi chỉ đỏ liên kết mối quan hệ của hai người xa lạ lại với nhau dựa trên khái niệm xây dựng niềm tin dưới hình thức quyền và nghĩa vụ mà cả hai đều phải cùng nhau thực hiện. Song, đó là chuyện quá khứ khi công nghệ kỹ thuật số chưa phát triển mạnh và chưa ai biết đến cái gọi là nền tảng blockchain. Việc MB bank áp dụng blockchain vào vận hành L/C đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như chi phí, khi mọi khâu từ lúc yêu cầu, phát hành chứng từ cho đến khâu xác nhận, xử lý giao dịch thanh toán và xuất trình chứng từ đều được diễn ra trên cùng một mạng lưới, chính là mạng lưới Contour. Ông Vũ Hồng Phú – Thành viên Ban điều hành MB cho biết: “Việc ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C nhập khẩu tại Việt Nam một lần nữa khẳng định khát vọng vươn tầm châu lục của MB, đưa hình ảnh của MB – một ngân hàng trẻ trung, hiện đại, chuyển đổi số mạnh mẽ đến gần hơn với thế giới”.

            Theo nhận định cá nhân, riêng mình thấy việc ứng dụng blockchain như thế này rất thực tiễn và mang tính hứa hẹn về lâu dài cho tương lai, khi mà phần lớn mọi giao dịch trong hay ngoài nước đều có thể được thực hiện trên một hệ thống lưu trữ duy nhất với độ bảo mật cao, tính minh bạch rõ ràng, không thể bị chỉnh sửa hay thay đổi mà không ai hay biết cũng như tiết kiệm chi phí lẫn thời gian, vốn là những mặt hạn chế trời sinh của giao dịch thương mại truyền thống. Việc ứng dụng blockchain giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được hiệu suất của toàn bộ quy trình, tránh xa những rủi ro lừa đảo của thương mại quốc tế cũng như mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, xây dựng niềm tin giữa khách hàng – doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, hồi phục hậu đại dịch Covid. Mình không phủ định rằng việc sử dụng công nghệ blockchain cũng có những mặt hạn chế (quy trình vì được thiết lập với độ bảo mật cao và khả năng cập nhật trạng thái tức thời, mà sẽ phải yêu cầu sự tỉ mỉ, chi tiết, không được sai sót trong khâu kiểm tra đối soát chứng từ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán về sau), song lợi ích và bất lợi chả phải là hai cái song phương luôn đi kèm nhau đó thôi. Điều quan trọng hơn cả theo ý kiến của mình, là chúng ta biết chấp nhận rủi ro hay sự cập rập nhỏ để đổi lấy tiện ích tốt nhất, tối ưu hoá mọi khả năng đồng thời hướng đến cơ hội mới trong tương lai.

Reference List:

D, N. “MB Ứng Dụng Thành Công Blockchain Cho Giao Dịch Tài Trợ Thương Mại.” Tapchinganhang.gov.vn, 2021, tapchinganhang.gov.vn/mb-ung-dung-thanh-cong-blockchain-cho-giao-dich-tai-tro-thuong-mai.htm.

“MB Ứng Dụng Thành Công Blockchain Cho Giao Dịch Tài Trợ Thương Mại.” Tapchinganhang.gov.vn, tapchinganhang.gov.vn/mb-ung-dung-thanh-cong-blockchain-cho-giao-dich-tai-tro-thuong-mai.htm.

ONLINE, TUOI TRE. “Ngân Hàng Việt Đầu Tiên Chính Thức Triển Khai Dịch vụ L/c Dùng Blockchain.” TUOI TRE ONLINE, 15 Dec. 2021, tuoitre.vn/ngan-hang-viet-dau-tien-chinh-thuc-trien-khai-dich-vu-l-c-dung-blockchain-20211215151328014.htm. Accessed 3 Mar. 2022.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment