Nền Kinh Tế Trong Game Hiện Nay

Kiếm tiền từ game từ lâu đã không còn là điều gì xa lạ, từ thời Võ Lâm Truyền Kỳ đổ bộ vào Việt Nam, việc săn và bán những item hiếm đã được nhiều người xem như một nghề để kiếm sống. Ngày nay, ngoài việc bán item hiếm trong game, game thủ còn có thể kiếm tiền qua các giải đấu Esport, qua những buổi livestream chơi game trên các nền tảng để kiếm tiền donate từ fan, hay kiếm tiền từ việc quảng cáo trong các sản phẩm giải trí. Nhưng theo quan điểm của mình, tất cả những thứ trên chưa thể coi là nền kinh tế trong game, bởi những hoạt động kiếm tiền này không xuất phát từ bản chất hay tính năng của game mà phải qua những trung gian khác, để hiểu rõ hơn, hãy cùng mình nhìn qua ví dụ sau.

Trường hợp 1

Tí và Tèo rất giỏi võ, tụi nó luôn muốn biết ai là người mạnh hơn nên đã gạ kèo đấu với nhau, mỗi đứa bỏ ra 10 đồng, đứa thắng sẽ ăn hết, trong trường hợp này tiền chỉ chuyển từ người này sang người kia, và tổng lượng tiền vẫn là 20 đồng, không đổi.

Trường hợp 2

Tí và Tèo muốn thi với nhau nhưng không có tiền cược, mà tự nhiên đánh nhau thì nó kỳ kỳ. By biết chuyện mới nói là tụi bây cứ đánh đi, đứa nào thắng tao thưởng 10 đồng, thế là cả 2 đồng ý. By đem chuyện Tí với Tèo đánh nhau nói khắp xóm, bảo đứa nào muốn xem thì trả By 2 đồng tiền vé, cuối cùng By bán được 10 vé, thu về 20 đồng. Sau trận đấu, By trả người thắng 10 đồng, bỏ túi 10 đồng, Tí và Tèo đã biết ai là người mạnh hơn, còn khán giả thì được xem đánh nhau, mọi người đều vui và tổng lượng tiền vẫn là 20 đồng, không đổi.

2 ví dụ trên là góc nhìn đơn giản về cách mà đồng tiền di chuyển trong nền kinh tế. Trong đó trường hợp 2 là mô hình kinh doanh căn bản của hầu hết các giải đấu. Giờ hãy nhìn qua cách mà đồng tiền di chuyển trong nền kinh tế của nhiều game NFT hiện nay.

Để tham gia vào game, bạn cần bỏ ra 1000 USD($) tiền pháp định để đổi 1000 Token trong game. Bạn dùng tiền để mua trứng và nó nở ra con Pet, con Pet này có giá 1000 $ bởi bạn đã bỏ ra 1000 $ mua nó. Lúc này tỷ giá USD/Token = 1 bởi 1000 $ = 1000 Token.

Rồi bạn đem con Pet đi đánh ải, làm nhiệm vụ theo cơ chế nếu đánh với máy, cứ thắng 1 trận bạn được thưởng 10 Token, thua thì thôi, còn nếu bạn đánh với người, thắng bạn được 10 Token, thua bạn được 2 Token, sau một thời gian cày cuốc, bạn kiếm được 1000 Token. Bạn nhận ra rằng bạn vừa có con Pet, vừa có 1000 Token, bạn vui mừng vì mình đã hòa vốn và lời thêm con Pet, nhưng sự thật có phải vậy không?

Suy nghĩ một chút bạn sẽ nhận ra rằng, không như 2 trường hợp trên khi tiền được chuyển từ tay người này sang người khác và tổng lượng tiền là không đổi, việc bạn chiến đấu trong game không phải là trò cá cược, cũng như không được ai trả tiền để xem, không ai mất tiền và bạn cũng không tạo ra giá trị cho ai, thậm chí bạn đánh với máy cũng ra tiền, vậy câu hỏi là tiền ở đâu ra? Bởi việc bạn chiến đấu trong game không tạo ra giá trị cho bất kỳ ai, nên tiền đã được hệ thống tạo ra thêm để trả cho bạn, vì 1000 Token tiền vốn của bạn đã bỏ vào con Pet, nên hệ thống tạo ra thêm 1000 Token để trả thưởng cho bạn, như vậy tổng Token trong hệ thống đã từ 1000 tăng lên 2000 Token bởi bạn hoàn toàn có thể bán con Pet đi để thu về 1000 Token tiền vốn. Đây là lúc bạn nhận ra tiền vốn thật sự bạn bỏ vào hệ thống chỉ có 1000 $, nhưng giờ bạn đang có trong tay 2000 Token, tức là giờ 1000 Token chỉ còn có giá 500 $, giảm một nửa so với ban đầu, việc bạn cày game không những không tạo ra tiền lời, nó còn tạo ra lạm phát khiến đồng Token bay mất một nửa giá trị.

Thêm nữa, khi bạn bỏ tiền pháp định để mua Pet, nó có giá 1000 $ vì bạn đã dùng 1000 $ để mua nó, nên ngay khi bạn rút 1000 $ ra khỏi hệ thống, giá trị của con Pet sẽ ngay lập tức trở về không, bởi thứ làm cho nó có giá trị đã không còn. Sẽ có bạn phản biện rằng nếu vậy thì tại sao nhiều người đầu tư vào game NFT vẫn kiếm được tiền? Câu trả lời là tiền đến từ 2 nguồn chính, một là nhà phát hành lấy tiền của họ để trả cho bạn, hai là họ lấy tiền từ người chơi sau để trả cho người chơi trước. Hệ quả là mô hình kinh doanh của dự án trở thành mô hình kim tự tháp, game chỉ có thể tiếp tục vận hành nếu nó thu hút được thêm người chơi mới, nhưng cho dù làm vậy thì đồng Token vẫn sẽ ngày càng lạm phát nhanh hơn do lượng người chơi ngày càng đông. Để giảm lạm phát và giảm tối đa khả năng tiền bị rút quá nhanh ra khỏi hệ thống, 2 cơ chế phổ biến được nhiều game NFT áp dụng là burn token và tax (hay phí rút tiền).

Về cơ chế phí rút tiền, game sẽ kéo dài khoảng cách giữa 2 lần rút tiền, khiến bạn không thể rút tiền liên tục, nếu bạn muốn rút sớm hơn, bạn sẽ phải trả một khoản phí khá lớn, thông thường thời gian giữa 2 lần rút sẽ tầm 14 ngày với mức phí cao nhất có thể lên đến 70% giá trị giao dịch và thấp nhất là 0% vào ngày thứ 14, thậm chí ở vài game bạn còn bị giới hạn số tiền có thể rút ra mỗi lần. Bản chất của phí rút tiền là một cơ chế phòng vệ chính đáng, không chỉ trong ngành game NFT mà nhiều quỹ đầu tư, sản phẩm tài chính, hay hợp đồng kinh doanh cũng áp dụng cơ chế này nhằm đảm bảo sự ổn định dòng tiền của dự án.

Cơ chế thứ 2 là burn token, tức là tiêu hủy để giảm lượng Token trong hệ thống. Dĩ nhiên tiền của bạn người ta không thể đòi đốt là đốt đúng không, nên nhà phát hành đã nghĩ ra nhiều cách để bạn phải đốt token. Từ việc bạn phải bỏ tiền mua thức ăn cho Pet, đến việc bán vật phẩm theo cơ chế gacha, đốt tiền vào hệ thống nâng cấp, tiến hóa hay xổ số cũng là cách làm phổ biến. Việc burn token đã làm rất tốt vai trò của nó trong việc kiểm soát lạm phát trong game và là cơ chế không thể thiếu trong bất kỳ nền kinh tế trong game nào. Tuy nhiên, trong hiện tại thì cơ chế này tồn tại một vài nhược điểm. 

Thứ nhất, lượng tiền pháp định hay trong trường hợp này là USD của dự án là không đổi, nhà phát hành chỉ có thể có thêm tiền khi người chơi hay nhà đầu tư bỏ tiền pháp định để mua Token của game, nên việc đốt Token chỉ làm giảm tốc độ lạm phát, chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Như trong ví dụ trên, con Pet của bạn kiếm ra thêm 1000 Token làm giá Token giảm đi một nửa, bây giờ tìm cách đốt đi 1000 Token đó, để kéo tỷ giá USD/Token = 1 như cũ, nhưng như vậy không phải là quay về vạch xuất phát rồi sao, công sức cày cuốc của người chơi bỏ đi đâu?

Thứ 2 là không phải khi không mà người ta cam tâm tình nguyện cho bạn đốt token, họ phải được lợi ích gì đó. Ví dụ như cơ chế nâng cấp/tiến hóa, bạn chi tiền để tiến hóa con Pet, nếu thành công bạn có con Pet xịn hơn, nếu thất bại thì bạn mất tiền, thậm chí mất Pet. Cách làm này sẽ phân bổ lại tài sản khi những người đầu tư nhiều hơn sẽ nhận được Pet và item tốt hơn, nhưng nó cũng dẫn tới khoảng cách giữa người chơi mới và cũ ngày càng xa, khiến game dần trở nên không hấp dẫn trong mắt người mới, mà như đã nói mô hình kim tự tháp lại luôn cần người mới tham gia. Ngoài ra, nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy rằng, bản chất của những con Pet hay item cao cấp chính là những máy in tiền siêu to khổng lồ, bởi chúng sẽ giúp bạn thắng nhiều trận hơn, vượt những ải khó hơn, hay kiếm nhiều tiền hơn sau mỗi trận thắng. Khi mặt bằng chung người chơi ngày càng sở hữu Pet mạnh hơn, thì tốc độ lạm phát sẽ ngày càng nhanh, dẫn tới cần thêm những cơ chế burn token khủng khiếp hơn nữa, và cứ thế cho đến khi hệ thống không còn chịu nổi và tự sụp đổ hoặc khi game đã đi hết vòng đời của nó và nhường chỗ cho những game mới có sức hút hơn.

Vậy Nền Kinh Tế Trong Game Sẽ Trông Như Thế Nào?

“Xây dựng nền kinh tế trong game như thế nào?” là câu hỏi cực kỳ khó, thậm chí với những người phát hành game NFT hiện nay. Mình cũng không tự cao cho rằng bản thân có câu trả lời, mình chỉ được truyền cảm hứng và viết bài này nhằm mục đích nói ra góc nhìn của bản thân. 2 tác phẩm đã truyền cảm hứng cho mình về nền kinh tế trong game là Ready Player One, một tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim, và Legendary Moonlight Sculptor, một light novel gần đây đã được chuyển thể thành truyện tranh, nên nếu bạn muốn có cái nhìn trực quan hơn về thế giới game cũng như nền kinh tế trong game, mình khuyên bạn nên tham khảo 2 tác phẩm này.

Bây giờ hãy tưởng tượng, bạn bỏ ra 100 $ để đăng ký vào một tựa game nhập vai, ngoài avatar nhân vật ra, bạn không có gì cả. Nếu muốn săn quái, bạn cần có trang bị, có kỹ năng, nếu không bạn sẽ chết và lại tốn 100 $ để hồi sinh, vậy bạn sẽ làm gì? Lúc này bạn có 2 lựa chọn, một là nạp thêm tiền để mua trang bị và kỹ năng, hai là làm theo cách mà thế giới thực vẫn luôn vận hành, lao động để kiếm tiền.

Thế giới trong game bạn chơi được xây dựng hệt như thế giới thực, tất cả mọi thứ bạn cần đều có thể mua bằng tiền, nếu bạn không có tiền, bạn có thể lao động để kiếm tiền. Dạo một vòng với đủ thứ ngành nghề từ nông dân, nhạc công, thợ mộc, thợ may đến những nghề ngầu hơn như hiệp sĩ, cung thủ, pháp sư,…bạn quyết định chọn nghề thợ rèn vì ở đây cho phép bạn lao động để trả học phí. Bạn bắt đầu học việc tại xưởng rèn mỗi ngày 3h, công việc của bạn là rèn trang bị, những trang bị bạn rèn sẽ được bán lại cho người chơi khác, những người sẵn sàng nạp tiền để mua trang bị. Bạn sẽ làm việc cho xưởng rèn trong 2 tuần, sau đó bạn sẽ tốt nghiệp, có được nghề nghiệp thợ rèn và kỹ năng rèn trang bị, sau đó bạn có thể tiếp tục làm việc cho xưởng rèn và nhận tiền công, hoặc mở tiệm rèn của riêng mình.

Sau 2 tuần, giờ bạn đã là thợ rèn, bạn quyết định tiếp tục ở lại xưởng rèn để làm việc, vì bạn cần vốn để mở tiệm. Bạn nhận ra nghề rèn kiếm cũng khá, bởi những người chơi luôn cần trang bị để săn quái, và sau mỗi trận chiến họ lại cần sửa chữa trang bị của mình. Việc ở lại xưởng rèn cũng giúp bạn có thể học nghề miễn phí, bởi nghề thợ rèn được chia thành nhiều cấp bậc: học việc – sơ cấp – trung cấp – cao cấp – bậc thầy, mỗi cấp độ đều cần học phí nhưng nếu bạn làm việc tại xưởng rèn, bạn có thể lên cấp trong khoảng thời gian nhất định, tất nhiên là tiền lương sẽ thấp hơn vì nó đã được trừ vào học phí của bạn. Bạn nhận ra ở thế giới này, bạn không nhất thiết phải là dũng sĩ đi tiêu diệt quái vật để có tiền, bạn có thể chỉ là một người thợ rèn bình thường, bạn rèn ra trang bị, trang bị được bán cho người chơi, một phần tiền được dùng để trả lương cho bạn. Các chiến binh kiếm tiền bằng cách săn quái, item sẽ được rớt ngẫu nhiên nên mỗi cuộc săn sẽ luôn có những bất ngờ, có lúc họ sẽ kiếm được nhiều, nhưng có khi lại lỗ vốn. Rồi sau mỗi chuyến đi họ lại đến gặp bạn để sửa trang bị, họ chi trả bằng số tiền đã kiếm được từ chuyến đi săn, việc bạn làm tạo ra giá trị cho người khác và bạn nhận thù lao từ việc đó, và cứ thế nền kinh tế trong game tiếp diễn.

Câu chuyện trên là một góc nhìn đơn giản của mình về nền kinh tế trong game, theo quan điểm là một nền kinh tế chỉ có thể thực sự hoạt động khi nó có đủ các thành phần phải có trong nền kinh tế, và bất kỳ hoạt động nào tạo ra tiền cũng phải tạo ra giá trị tương ứng. Với góc nhìn từ câu chuyện trên, nếu bạn là thợ săn trong thế giới này, bạn phải chi tiền cho trang bị, từng mũi tên, từng lọ thuốc đều cần trả tiền, trang bị dùng rồi cũng phải sửa và quan trọng nhất là không phải quái nào cũng rớt item nên sự may mắn cũng rất quan trọng. Và nếu bạn mở một xưởng rèn, từ việc bạn phải trả học phí cho các cấp độ, bạn cũng cần chi phí cho việc xây tiệm và tiền vốn mua nguyên liệu để rèn. Nếu bạn không có tiền, bạn có thể lao động để kiếm tiền, nhưng việc lao động của bạn nhất định phải tạo ra giá trị cho người khác, còn nếu bạn nạp tiền thì dòng tiền từ thế giới thực sẽ chảy trực tiếp vào game, từ đó nền kinh tế trong game và giới thực sẽ có sự kết nối, nhờ đó tốc độ lạm phát của tiền tệ trong game cũng sẽ gần hơn với thế giới thực do tiền trong game không còn được tạo ra bừa bãi, bởi dù chọn vai trò nào, người chơi cũng phải tính toán cẩn thận, phải bỏ vốn liếng và sức lao động của mình để kiếm về token.

Điểm mạnh lớn nhất của thế giới game được xây dựng như trên là nó tạo ra cơ hội cho rất nhiều người được tham gia vào nền kinh tế trong game. Bạn có thể là digital artist tham gia vào game để thiết kế trang phục và bán cho người chơi với vai trò thợ may, bạn có thể tham gia với vai trò DJ, vũ công, ca sĩ trong game, và người chơi sẽ trả tiền cho những giá trị mà bạn mang lại. Khi một tựa game được mở rộng để không chỉ người chơi game, mà tất cả mọi người đều có thể đến và đóng góp giá trị của họ vào nền kinh tế trong game, thì đó sẽ không chỉ là game nữa, nó sẽ trở thành một metaverse.

Nhưng liệu giấc mơ này có viễn vông quá không? Hiện tại chúng ta có Wanaka Farm, một game nông trại, nơi bạn phải bỏ vốn để mua đất và hạt giống để có thể sản xuất, sau đó bạn có thể đem thành phẩm bán cho người chơi khác, về cơ bản nó khá giống với ví dụ nghề thợ rèn của mình. Chúng ta cũng có game Mytheria cho phép các digital artist kiếm tiền bằng cách thiết kế nhân vật và trang phục trong game. Theo quan điểm của mình, bản chất một game sở hữu nền kinh tế trong game sẽ tương tự như một game được tổng hợp bởi nhiều game khác nhau, khi bạn là nông dân trong game, bản chất bạn đang chơi game nông trại, khi bạn là chiến binh trong game, bản chất là bạn đang chơi game hành động nhập vai, khi bạn là kỹ sư trong game, bản chất bạn đang chơi game sandbox. Nếu bạn muốn tìm ví dụ về một tựa game chứa nhiều game khác bên trong nó, hãy thử Minecraft, Roblox, Mini World và Fortnite. Nhắc đến Fortnite chắc chắn phải nhắc đến một trong những thời khắc ấn tượng nhất của game, đó là màn trình diễn âm nhạc của DJ Marshmello ở ngay trong game, hiện video về màn trình diễn đã được đăng tải trên You Tub* và đạt hơn 61 triệu lượt xem, ngoài ra mv Alone, được thực hiện ngay trong Fortnite của anh cũng đạt hơn 139 triệu lượt xem, khẳng định mạnh mẽ tiềm năng của các sản phẩm âm nhạc và giải trí trong thế giới ảo. Nếu bạn nghĩ rằng đây chỉ là một hiện tượng nhất thời và nghi ngờ liệu người ta có sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm âm nhạc từ một nghệ sĩ ảo, thì mời bạn search thử Hatsune Miku để biết một idol ảo đã khiến người ta phát cuồng như thế nào.

Kết

Mô hình nền kinh tế trong game được mình đưa ra chỉ là góc nhìn rất cơ bản về một bức tranh kinh tế trong game vĩ đại hơn nhiều. Nó cũng không đưa ra được câu trả lời cho một số thể loại game như đua xe, bắn súng, hay thẻ bài,… Bài toán kinh tế trong game là câu hỏi lớn cho bất kỳ ai muốn phát triển một tựa game NFT, và chúng ta có những con người tài năng, mình tin họ nhất định sẽ tìm được câu trả lời. Nhưng lỡ như không có câu trả lời thì sao? Mình nghĩ đến lúc đó chúng ta sẽ chấp nhận rằng gamefi không phải là chén thánh, và không phải dòng game nào cũng có thể tự xây dựng nền kinh tế trong game được. Trong trường hợp này, gamefi và game truyền thống sẽ cùng nhau tồn tại và phát triển, hoặc là một game NFT sẽ kết hợp với một game NFT khác đã có sẵn nền kinh tế để cùng nhau phát triển.

Như đã nói, để tạo ra được một nền kinh tế trong game giống với tầm nhìn của mình nó sẽ phải phát triển thành mô hình như một metaverse, mà hiện tại metaverse cũng chỉ đang được các tập đoàn lớn trên thế giới nghiên cứu phát triển mà thôi, nên có lẽ chúng ta phải chờ vài năm nữa để thấy một thế giới game lung linh như Sword Art Online. Nhưng như vậy không có nghĩa là những dự án gamefi hiện nay là không tốt, ngược lại Việt Nam có những dự án gamefi tuyệt vời đã nổi tiếng khắp thế giới. Bài viết này mình viết để chỉ ra những bất cập mà nhiều dự án gamefi hiện nay đang gặp phải, cũng như chia sẻ một góc nhìn về nền kinh tế trong game, từ đó hi vọng có thể giúp mọi người hiểu hơn về những dự án mà bản thân đang đầu tư, bởi chỉ khi bạn đủ thấu hiểu về một dự án, bạn mới có niềm tin để đồng hành cùng dự án đó.

By Tiểu Long GameFi NFT Team – Coming.io

Xem thêm nhiều bài viết thú vị hơn về NFT, GameFi và Crypto

👉 https://coming.io/blog/

Tham gia cộng đồng Coming.io – Vietnam NFT Artist, Collector & Gamer

👉 Telegram: https://t.me/comingiopublic

👉 Website: www.coming.vn | Coming.io

👉 Fanpage: https://facebook.com/ComingOfficial/

👉 Group FB: https://facebook.com/groups/coming.vn

👉 Youtube: https://youtube.com/channel/UC69JiLaAfrbp8eLgdVcJG9Q

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment