💰Luyên thuyên về blockchain

Ngày xửa ngày xưa, chuyện kể rằng khi dân cư khai phóng ra được blockchain, tiền ảo (cryptocurrency) trở thành một trong những ứng dụng rõ rệt nhất của nền tảng công nghệ vượt bậc này. Người người nhà nhà đổ xô đi mua tiền ảo, đi đầu cơ, đi “lướt sóng” trên các con USDT hay tích góp stable coin để staking. Đủ thể loại muôn hình vạn trạng, thị trường tiền ảo sinh sôi nảy nở, tạo cơ hội và giúp đỡ biết bao người có thêm thu nhập tay trái, dù đó là một nguồn tiền vào cố định nhưng vững chắc hay một khoản sinh lời dồi dào chỉ sau một đêm. Ai ai cũng có thể có lợi từ sự phát triển của crypto, từ một “tay chơi” đam mê rủi ro cao nhưng mang lợi nhuận khủng hay một người mới hoàn toàn chưa có kinh nghiệm đầu tư tiền ảo, quyết định phương án an toàn nhất vẫn là bám vào stable coin và đi “gửi tiết kiệm”, cho đến những con cáo già trong làng hành nghề, nắm rõ mọi ngóc ngách thị trường, làm chủ được tâm lý hành vi  nên vô cùng tự tin đầu tư theo kế hoạch của bản thân, vừa chấp nhận rủi ro đổi lấy khả năng sinh lời cao vừa có “hậu phương vững chắc” dự phòng cho những lúc cơ nhỡ. Vậy mới nói, cuộc sống của con người khá khẩm lên từ dạo đó. 

💰NFT: sự khám phá một miền đất hứa? 

Dần dà, blockchain đã không còn là chuyện mua và bán tiền ảo đơn thuần. Khi người ta nhận ra được tiềm năng vô tận của nó, việc tìm tòi nghiên cứu để ứng dụng blockchain cho những mục đích khác của cuộc sống chỉ là chuyện sớm muộn. Công cuộc gom góp lợi nhuận từ tiền ảo quả thật rất hứa hẹn, nhưng có một cách “thăm ngàn” nào khác không? Liệu blockchain chỉ có thể được dùng để tạo ra các đồng tiền ảo, mà không phải một loại tài sản nào khác? Có thể ứng dụng blockchain ở một mặt nào đó để cho việc trao đổi, mua bán và thương mại trở nên thú vị và ý nghĩa hơn không? 

Vâng, các bạn đoán đúng rồi đó. Không thể nhầm lẫn tới một cái gì khác khi điều mình đang nói tới chính là NFT, hay Non-fungible token, được hiểu nôm na là các token không thể thay thế và được xem là một trong những sản phẩm đặc sắc nhất của blockchain trong những năm gần đây. NFT là một dạng tài sản kỹ thuật số được đăng ký trên nền tảng blockchain. Mục đích chính của NFT là dùng để đại diện cho một vật phẩm, một loại tài sản, một sản phẩm kỹ thuật hay vật lý nào đó từ âm nhạc, hội họa, thẻ bài, giày thể thao, bất động sản hay thậm chí là những dòng trạng thái (status) trên Facebook hay Twitter. Token vốn là một loại tiền mã hóa được phát triển trên một coin đã có sẵn và hiện tại, các token được sử dụng chủ yếu được tạo ra trên blockchain của Ethereum. Vì lý do đó, các sản phẩm NFT sẽ được trao đổi và mua bán bằng tiền điện tử, tức khi một người mua hoặc bán sản phẩm NFT thì người đó sẽ phải thanh toán hoặc được trả bằng tiền điện tử. 

Vậy rốt cuộc NFT có những tính năng gì nổi bật khiến dư luận phải để tâm đến thế? Có thể nói, chính vì được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ blockchain, NFT thừa hưởng khả năng nhận dạng và bảo mật mà hợp đồng thông minh (smart contract) đem lại. Cũng giống như cách mà các ngân hàng ứng dụng blockchain trong việc cung cấp dịch vụ L/C giữa hai bên xuất khẩu và nhập khẩu, các token của NFT bản chất là không thể sao chép, xoá bỏ hoặc phá hủy. Việc trao đổi mua bán các NFTs vì thế rất minh bạch, rõ ràng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Sự thu hút và tiềm năng của NFT nằm ở các tính chất sau: 

  1.  Tính độc nhất (Uniqueness): Mỗi NFT được tạo ra là duy nhất và mang tính khác biệt với các NFT còn lại. Từ định nghĩa của non-fungible tức là không thể thay thế lẫn nhau, chỉ tồn tại một và duy nhất vật phẩm NFT nhất định, không tồn tại sản phẩm tương tự và không thể sao chép dưới bất kỳ hình thức nào. Ví dụ đơn giản, 2 tờ tiền mệnh giá 100,000 VND có thể được dùng để đổi lấy 1 tờ tiền giá 200,000 VND. Một tờ tiền, một miếng vàng hay thậm chí là bitcoin là các tài sản có thể thay thế lẫn nhau (fungible), và mỗi tài sản có thể được hoán đổi với các tài sản tương tự. NFT thì không như vậy.
  • Tính không thể tách rời (Indivisibility): Khác với bitcoin hay Ethereum, là các đồng tiền ảo có thể được phân chia, sản phẩm NFT hoạt động như một tấm vé máy bay. Chúng ta không thể chia nhỏ tấm vé thành nhiều phần cho nhiều lần hay nhiều người sử dụng. Chỉ chủ sở hữu nguyên vẹn tấm vé đó mới có thể dùng được tính năng và hưởng lợi từ nó. Cũng như việc chúng ta không thể bán hoặc sử dụng một bức tranh, một đôi giày, một chiếc xe, một căn nhà theo từng phần nhỏ. Đó chính là tính không thể phân chia của NFT. 
  • Tính khan hiếm (Scarcity): Vì mỗi NFT là bản thể độc nhất và được lưu trữ độc lập trên blockchain, không thể bị sao chép hay chia nhỏ mà chỉ tồn tại dưới dạng một tài sản nguyên vẹn, NFT mang trong mình bản chất của sự khan hiếm. Các sản phẩm càng dễ bị thay thế hay sao chép đồng nghĩa với việc đó là sản phẩm tương đồng nhau, không có giá trị cao và không mang ý nghĩa tài sản quý giá. 
  • Tính chủ sở hữu (Ownership): NFT đảm bảo quyền sở hữu tài sản và truy xuất nguồn gốc (tính năng của blockchain), chính vì thế nên ở mỗi thời điểm chỉ có một và duy nhất một người được ghi nhận là đang sở hữu một vật phẩm NFT nào đó. Khi chủ sở hữu hiện thời bán lại NFT cho “người kế nhiệm”, quyền sở hữu NFT lúc đó sẽ được blockchain ghi nhận và đưa lại cho người mua. Và nếu bạn là người tạo ra NFT đó ngay từ đầu, lịch sử blockchain vẫn sẽ ghi nhận bạn là chủ sở hữu gốc (original owner) cũng như được hưởng lợi từ việc mua bán sản phẩm đó. 

🎨 Xu hướng mới về nghệ thuật

            Chính vì bản chất ưu việt mà NFT mang lại, cộng hưởng thêm sự phát triển của thời đại số hóa (digitalization) mà cơn sốt NFT Art dần trở nên quen thuộc với hầu hết mọi người rồi nhỉ. NFT Art là một dạng NFT chuyên biệt trong lĩnh vực nghệ thuật, nó có thể là một tác phẩm hội họa, tranh vẽ, bản thiết kế hay đơn thuần là một dòng tweet trên mạng xã hội. Việc mà tác giả cần làm là đăng ký nó trên blockchain, xác nhận quyền sở hữu và chứng nhận duy nhất cho việc tạo ra tác phẩm. Sau đó, họ sẽ rao bán nó ở các buổi đấu giá, theo dõi được ai là người mua và thu lại khoản tiền lợi nhuận mỗi lần sản phẩm được bán ra. Như mình đã đề cập ở trên, NFT hiện tại được giao dịch bằng đồng Ethereum nên hãy tưởng tượng, khi giá trị của đồng tiền này tăng cao thì tác phẩm NFT đó càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Vì lẽ đó, NFT Art được xem là con mồi béo bở của các nhà đầu tư, là một khái niệm mới về nghệ thuật cũng như giải pháp cho vấn đề tôn trọng bản quyền tác giả của các nghệ sĩ trong thời đại mới, song cũng nhận được không ít ý kiến trái chiều từ dư luận. 

NFT art

Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số Everydays: The first 5000 days của nghệ sĩ Mike Winkelmann, Beeple, được bán với giá 69.3 triệu USD tại buổi đấu giá Christie’s

Trước hết chúng ta hãy cùng điểm qua một vài lợi ích nổi bật mà theo quan điểm cá nhân mình, NFT Art đã, đang và sẽ mang lại cho người nghệ sĩ (tác giả tạo ra sản phẩm NFT) cũng như cho người sở hữu các tác phẩm đó. 

Không còn rào cản về việc định danh một người nghệ sĩ …

Nếu bạn là một người có niềm yêu thích nhất định dành cho nghệ thuật, chắc hẳn bạn phải từng ít nhất một lần nghe đến câu “Art is always subjective”, dịch ra là nghệ thuật luôn dựa trên quan điểm cá nhân. Mỗi cá nhân sẽ cảm nhận và thấu hiểu các tác phẩm nghệ thuật theo cách riêng của từng người. Thông điệp mà bạn truyền tải qua bức tranh bạn vẽ, chưa chắc gì đã là điều mà người xem nhìn nhận được. Chúng ta cơ bản là khác nhau, giống như các NFT được tạo ra trên blockchain vậy, vì đơn giản trải nghiệm của mỗi người là riêng biệt. Bởi lẽ đó, mỗi một bức tranh, một tác phẩm được tạo ra sẽ mang trong mình rất nhiều “linh hồn”, mang lại nhiều cảm xúc và suy tư khác nhau, được yêu thích hay chán ghét là do cách nhìn của mỗi người. 

Hiểu được giá trị của nghệ thuật, bạn sẽ biết khi một số tiền được chi trả để sở hữu một tác phẩm, nó được chi trả không chỉ vì một tấm khung tranh, sự phối màu đa tài của họa sĩ hay người con gái trong tranh được khắc họa quá hoàn mỹ, nó còn được chi trả cho những giá trị và cảm xúc vô hình, không giới hạn, không rào cản, không rập khuôn mà bức tranh hay tác phẩm đó đem lại. Vì lẽ đó, tại sao chúng ta lại phải giới hạn về định nghĩa và tiêu chuẩn của một người nghệ sĩ cũng như một tác phẩm nghệ thuật? Khi nghệ thuật luôn tồn tại ở bên trong mỗi người, và ai cũng đều có thể trở thành nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm vĩ đại. 

            Điều này có lẽ chỉ mới được ủng hộ gần đây khi thế giới ngày càng số hóa, và chúng ta được tiếp cận đa dạng các công cụ hội họa kỹ thuật số hơn là cọ vẽ, màu nước hay chì sáp đơn thuần của mỹ thuật truyền thống. Mọi người được tự do tiếp xúc nhiều hơn với nghệ thuật cũng như tạo ra tác phẩm của riêng mình, cùng với blockchain và NFT Art, người nghệ sĩ sẽ nhận được “thù lao” xứng đáng, được ghi nhận là cha đẻ của chính tác phẩm đó một cách minh bạch và không gì có thể thay đổi được điều đó. 

… đồng thời nâng cao giá trị sở hữu cho một người sưu tầm chính hiệu

            Còn về phía những người trót đam mê nghệ thuật và thích sở hữu những tác phẩm đặc sắc, NFT Art vừa đáp ứng được “gu lạ” vừa giúp những nhà sưu tầm (collector) được ngẩng cao đầu mà vỗ ngực bảo “Chính tôi hiện là chủ sở hữu tác phẩm này”. Vì sao có thể tự tin đến thế à, vì đơn giản như đã đề cập ở trên, mỗi tác phẩm NFT Art là độc nhất và ở mỗi thời điểm chỉ có một người được ghi nhận là đang sở hữu nó. Đó là còn chưa kể đến việc các NFT Art được giao dịch bằng crypto, khi giá trị của crypto đi lên những nhà sưu tầm này có thể bán lại tác phẩm cho ai đang mong muốn khao khát sở hữu nó, vừa thu được lợi nhuận vừa tiếp tục công cuộc khám phá và sưu tầm nghệ thuật. 

Tuy nhiên, chẳng phải bức tranh Mona Lisa (Leonardo da Vinci) trở nên nổi tiếng vì nó là bức tranh được đánh cắp và sao chép nhiều nhất lịch sử hay sao?

            Có một điều không thể phủ nhận, việc Mona Lisa của Leonardo da Vinci nổi tiếng được và sở hữu giá trị lên đến 100 triệu USD vào năm 1962 (tương đương 650 triệu USD vào năm  2018) chỉ vì nó “được: đánh cắp khỏi bảo tàng Louvre vào năm 1911. Việc một bức tranh hoàn toàn vô danh bỗng nhiên một ngày tan biến rồi trở lại đã vô tình khiến cho dư luận không thể rời mắt khỏi nó, tạo tiền đề cho mức độ nổi tiếng và sự xuất hiện của nhiều bản thể khác ở các bảo tàng lớn trên thế giới, cũng mang tên Mona Lisa. Điều này cũng tương tự như lý do giải thích vì sao Starry Night của Vincent van Gogh lại là tác phẩm nổi tiếng và hiện hữu ở gần như mọi nơi, từ phòng tranh, triễn lãm cho đến các quán cà phê hay nhà hàng. Bởi lẽ nó là tác phẩm dễ sao chép nhất, gần như ai cũng có thể minh họa lại Starry Night, chỉ là dưới một phiên bản khác. 

            Ví dụ cho hai tác phẩm điển hình này trở thành tượng đài trong giới nghệ thuật nhờ vào tính chất có nhiều bản thể rõ ràng đã đi ngược lại với sự tung hô dành cho NFT Art, rằng giá trị nằm ở việc không thể thay thế và mỗi phiên bản là độc nhất. Nếu không nhờ vào việc dễ dàng “tái bản”, hai tác phẩm ấy đã không thể nổi đình nổi đám và đạt được mức giá trị như hiện thời. 

Và nói đi cũng phải nói lại, …

Sao chép nhiều lần một tác phẩm có ích gì nếu không có điều kiện cần và đủ có thời gian? Tác phẩm Mona Lisa từ sự hiện hữu vô danh vào thế kỉ 20, bị đánh cắp vào năm 1911 và phải mất tới 50 năm để có thể chính thức nhận được sự tung hô của toàn thế giới. Cũng như tác phẩm the Starry Night, ra đời vào năm 1889 nhưng phải tới khi được mua lại bởi bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Museum of Modern Art) ở thành phố New York vào 1941, nó mới bắt đầu được biết đến, tức khoảng 52 năm sau đó. Cả hai tác phẩm trên nói riêng và nghệ thuật bất hủ nói chung, đều phải trải qua nhiều yếu tố (như được đánh cắp, được trưng dụng ở những nơi xa hoa, được mọi người bàn tán…) trong quãng thời gian nhất định mới có thể khẳng định giá trị “đặc biệt”. Còn đối với NFT Art? Mỗi tác phẩm vừa được tạo ra đã là một sự đặc biệt và duy nhất rồi, chẳng phải sao. 

Mà rồi, nếu không lầm chúng ta vẫn có thể copy các tác phẩm kỹ thuật số bao nhiêu lần cũng được, ngay cả với những tác phẩm NFT Art.

            Ừ thì, bạn không hề sai nhé. Chỉ cần click chuột phải vào bức hình hay video NFT nào đó là lập tức nó được tải về laptop của bạn, thậm chí không phải một mà là bao nhiêu lần cũng được. Vậy tại sao lại phải bỏ ra hàng triệu USD để làm chủ sở hữu một bức hình trong khi ai cũng có thể có được nó vỏn vẹn trong chưa đầy 3 giây? Tại sao phải cất công bỏ ra số tiền quá lớn để đổi lấy một tác phẩm kỹ thuật số không mang trong mình giá trị trưng bày như những bức họa truyền thống, hay giá trị của nó nằm ở việc sở hữu một bức pixel mang danh nghĩa “độc nhất” nhưng thật ra lại đang nằm trong máy tính của hàng vạn người khác? (Ouch, nghe có vẻ đau nhỉ :v)

Nhưng từ từ đã, mình vẫn chưa nói hết …

            Quay về hai tác phẩm Mona Lisa và Starry Night, có bao giờ bạn thắc mắc lý do vì sao người ta lại đi sao chép và biến nó thành nhiều ấn bản hay không? Không phải một tác phẩm nào khác mà lại là hai bức tranh ấy, một bức thì trở nên nổi tiếng vì xém bị bốc hơi hoàn toàn khỏi mặt đất còn một bức là tác phẩm dễ minh họa lại nhất mọi thời đại? Bạn đoán đúng rồi đó, người người sao chép nó vì người ta muốn sở hữu nó. Không phải việc nó được sao chép đã giúp nó có giá trị, mà chính vì giá trị ban đầu đã khiến người người khao khát và muốn có được nó.  Bản chất của con người, là không chấp nhận được khái niệm “sự sở hữu duy nhất”. Bất cứ thứ gì càng nổi và càng giá trị, chúng ta càng muốn sở hữu bằng mọi giá, mà khoan đã, là có được bằng mọi giá hay ko bằng bất kỳ giá nào nhỉ? Cảm giác được nắm trong tay những vật phẩm mà cả thế giới đều bàn tán với chi phí cơ hội gần như bằng không quả thật là vô cùng hấp dẫn đúng không. 

Vậy hãy nghĩ sâu hơn một chút nào, các tác phẩm NFT của bạn vừa mang trong mình yếu tố “sự sở hữu duy nhất” vừa có giá trị về mặt sưu tầm, thì liệu dân tình sẽ khước từ khi có thể down về hay thậm chí là copy paste, với cost hoàn toàn bằng 0 đồng sao? Chúng ta quá bận rộn với việc mặc cả về giá trị và sự xứng đáng, tạo ra những lời biện hộ cho “sở hữu miễn phí” mà quên đi rằng giá trị đúng nghĩa nằm ở việc sở hữu như thế nào là đúng đắn, cũng như để tạo ra tác phẩm mà bạn đang khao khát, người tác giả đã phải bỏ công bỏ sức như thế nào? Đó là lí do NFT Art xuất hiện, để mang lại công bằng cho những người nghệ sĩ, giúp nhà sưu tầm cảm thấy xứng đáng với số tiền bỏ ra và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư. 


Reference:

Dash, Anil. “NFTs Weren’t Supposed to End like This.” The Atlantic, 2 Apr. 2021, amp.theatlantic.com/amp/article/618488/?fbclid=IwAR1E_nm2reRVNwMaRLKh6G4CHBZ6GcDY8WX7WVEV75lT1XMSm3EPDydfmnQ. Accessed 3 Mar. 2022.

Smee, Sebastian. “Will NFTs Transform the Art World? Are They Even Art?” Washington Post, 18 Dec. 2021, www.washingtonpost.com/arts-entertainment/2021/12/18/nft-art-faq/?fbclid=IwAR3wqzTqzfSt2Y6HJ-9If2v5RhABlaixn8Qvq3x4cY1pYhUueLr1bqb8Bc8.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment