Cơn sốt NFT trong thời gian gần đây đã và đang thu hút sự chú ý của không ít người, khiến cư dân blockchain không một ai là không khỏi tò mò, thắc mắc cho sự nổi như cồn của nó, nghi hoặc cho vấn đề kiếm tiền từ các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số hay đăm chiêu trầm tư tưởng tượng ra cái cảnh bản thân bỗng trở nên “giàu sụ” nhờ việc sáng tác ra nghệ thuật, hạnh phúc “tay trong tay” cùng với các tác phẩm NFT, sống một cuộc đời thật viên mãn. Dù thái độ ban đầu đối với NFT có như thế nào, cho là ấn tượng tốt hay xấu, ngưỡng mộ hay xem thường, ghét cay ghét đắng thề không đội trời chung hay lỡ đem lòng si mê tha thiết, thì kết quả cuối cùng vẫn là không thể tránh khỏi. Người người nhà bắt đầu tìm tòi, hỏi han tình hình “gia cảnh” của nhà NFT thật hư như thế nào, mò mẫm nghiên cứu đủ mọi cách thức và bí kíp quyết chinh phục bằng được cái gã khổng lồ khó nhằn này. 

Người ta có “trap boy”, “trap girl”, blockchain có “trap NFT”

Một lần nữa, với những ai chưa biết về NFT hay cụ thể hơn là NFT Art, thì đó là những tác phẩm kỹ thuật số mang tính nghệ thuật, sở hữu những giá trị và tính chất không khác gì nghệ thuật truyền thống. Điều khác biệt ở đây, là thay vì bạn sở hữu một bức tranh, một tấm hình mang tính chất vật lý thì bây giờ, tất cả mọi thứ đều được số hóa, được lưu trữ và giao dịch trên nền tảng blockchain độc nhất vô nhị. Các tác phẩm NFT không những là nghệ thuật, mà còn mang giá trị sưu tầm, tính chất độc nhất và khan hiếm mà chỉ khi sử dụng công nghệ blockchain mới có được. NFT Art được sinh ra như để giải quyết được vấn đề liên quan đến bản quyền, sự công nhận sở hữu (hay theo cách mình thường gọi là “sự sở hữu duy nhất”), tạo ra những giá trị mà ai ai cũng muốn nắm giữ, không muốn buông rơi dù chỉ một giây.

Và như người ta thường nói, câu chuyện tình nào cũng đẹp, cho đến khi …

            Chúng ta khi bắt đầu một mối quan hệ luôn mang trong mình phong thái tự tin, mạnh mẽ, khí phách nhất có thể với hi vọng nắm chắc trong tay phần thắng chinh phục được đối phương. Nhưng rồi mối quan hệ nào mà chả có vấp ngã, chênh vênh hay khó khăn muôn trùng. Bản chất là do bạn còn quá mới, chưa đủ kinh nghiệm “tình trường”, à không chiến trường  hay đơn giản hơn là chưa suy nghĩ đủ sâu để đánh giá hết mọi khía cạnh cần thiết. Khi quyết định chơi với NFT cũng như vậy, bạn đã thật sự hiểu rõ về những mặt trái của hình thức này chưa? Một anh chàng càng nhiều người theo đuổi đồng nghĩa với việc anh ta sẽ rất đào hoa, một hiện tượng nổi như cồn với giá trị sinh lời đỉnh cao sẽ được nhiều người để ý tới, người tốt có và kẻ chuyên giăng bẫy cũng không ít gì.

Trap NFT 101: Lừa cả tiền lẫn của

            Một trong những bẫy NFT điển hình nhất là việc người mua thanh toán tiền nhưng lại không nhận được vật phẩm, rồi chợt phát hiện cả số tiền và tất cả mọi thứ liên quan đến người bán đều “không cánh mà bay”. Ví dụ dễ hiểu nhất là dự án NFT “Big Daddy Ape Club” được rao bán trên blockchain Solana (SOL), một trong những vụ lừa đảo rút vốn (rug pull) lớn nhất trong lịch sử giao dịch NFT trên SOL từ đó đến giờ. Big Daddy Ape Club là một bộ sưu tập gồm 2.222 hình vẽ con vượn được niêm yết trên sàn NFT Solanart. Sau một thời gian mở bán, vào ngày 11.01.2022, vào thời điểm đáng lẽ ra dự án phải bắt đầu được “đúc” (minted) thì toàn bộ những con người đứng sau đều bặt vô âm tính. Những tên lừa đảo này đã nghênh ngang bước đi với tổng cộng 9.136 SOL, tương đương 1.3 triệu USD và các vật phẩm cũng xem như chưa từng được tạo ra. Vấn đề của vụ lừa đảo này là mọi tung tích liên quan đến người bán đều mất sạch, từ các tài khoản mạng xã hội tưởng chừng như rất đáng tin cho đến tài khoản discord, không còn sót lại dù chỉ một sợi tóc.

Big Daddy Ape Club NFT project

Chớ trao nhầm trứng cho ác

            Cũng giống như những công cuộc “kiếm lời” khác trong thị trường tiền ảo, việc sưu tầm hay giao dịch các NFT cũng cần hơn hết là sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm trong tay chắc chắn về một dự án nào đó rằng nó có mức độ tăng trưởng tốt, đáng tin trong khoảng thời gian nhất định thì hãy quyết định đầu tư. Trao trọn con tim và khối óc cho một dự án nào đó khi mà chưa có đủ kinh nghiệm hay thiếu khả năng nhận biết những “tín hiệu đáng ngờ” sẽ chỉ dẫn đến vô vàn hệ lụy không đỡ nổi. Vì thị trường tiền ảo thì luôn mời gọi, còn kẻ xấu thì luôn lăm le cơ hội để chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình khi việc chế tác ra các tác phẩm mang bề ngoài xịn xò cũng không phải vấn đề quá khó với những con người của thời đại kỹ thuật số này.

            Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát hiện được những dấu hiệu đáng ngờ của các dự án NFT? Trước hết, luôn luôn nhớ phải điều tra lý lịch gốc gác để chắc chắn rằng người chủ của NFT đó là người thật chứ không phải máy (bots). Việc này có thể được xác minh qua các trang web hay công ty hỗ trợ xác nhận danh tính của người chủ dự án. Bên cạnh đó cũng đừng quên kiểm tra chất lượng của những người đang theo dõi tài khoản mạng xã hội của chủ dự án (followers). Đừng vội trao ngay lòng tin cho những dự án trông có vẻ xịn xò chỉ bằng việc nhìn vào số lượng người theo dõi dài dằng dặc, khi nhăng nhẳng ngoài kia không thiếu gì trường hợp tất cả những sự thể hiện đó đều là giả tạo. Một trong những cách phổ biến nhất để check xem liệu những người followers đó là người thật hay chỉ là chiêu trò dàn cảnh của kẻ xấu, chính là sử dụng trang web Followeraudit.com. Trang web này sẽ giúp cho chúng ta biết trong tổng số lượt đang theo dõi tài khoản chủ dự án, có bao nhiêu là người thật và bao nhiêu là giả dối, bao nhiêu là sự chân thành và bao nhiêu là lừa gạt. “Don’t judge a book by its cover” – đừng đánh giá một cuốn sách qua vẻ bề ngoài có vẻ là một lời khuyên hữu ích, để mỗi chúng ta luôn giữ được trái tim nóng và cái đầu lạnh khi đưa ra quyết định đầu tư cho một dự án NFT tiềm năng nào.

Followeraudit.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment