crypto

Tiền Vốn Dĩ Không Có Giá Trị

Ok, trước khi các bạn lao xuống phần comment và tăng tương tác cho bài viết của mình bằng gạch đá thì hãy đọc hết bài viết đã nhé. Đầu tiên, hiển nhiên là chúng ta xài tiền mỗi ngày, chúng ta sống bằng cách kiếm tiền và dùng chúng để chi trả cho cuộc sống nên dễ hiểu là bạn cảm thấy vô lý khi mình nói rằng tiền thực chất là vô giá trị, nên trước khi tìm hiểu về giá trị của tiền, hãy tìm hiểu về cách mà tiền được sinh ra nhé.

Ngày xửa ngày xưa, khi mà tiền vẫn chưa ra đời, người ta chủ yếu trao đổi vật phẩm với nhau. Bạn có thể đổi 1 con bò lấy 1 con trâu, 1 con heo lấy 2 con dê, 5 bao gạo lấy 10 con gà, tùy bạn, miễn là thuận mua vừa bán là được. Vấn đề là không phải tài sản nào bạn cũng có thể mang theo bên mình suốt ngày, và việc phải mang nhiều hàng hóa để trao đổi sẽ gây bất tiện khi mua bán số lượng lớn, thế là nhu cầu về một trung gian thanh toán ra đời, người ta cần 1 thứ mà số đông cho là có giá trị, nó phải gọn nhẹ để dễ dàng mang đi và có thể bảo quản lâu dài.

Từ những nhu cầu đó, tổ tiên của tiền tệ ra đời. Gọi là tổ tiên của tiền tệ bởi khi đó thứ được cộng đồng quy định làm trung gian thanh toán cực kỳ đa dạng, từ lông vũ, vỏ sò, đá hiếm,.. đến bất cứ thứ gì mà người ta cho là quý hiếm đều sẽ trở thành trung gian thanh toán. Sau một thời gian áp dụng hình thức trao đổi này, nhiều vấn đề đã xảy ra như vỏ sò có thể hiếm ở vùng này nhưng lại quá nhiều ở vùng khác, năm ngoái lông vũ có thể quý hiếm nhưng sang năm lại đại trà vì nhiều người thấy lông vũ có giá trị sẽ nhân giống chim để lấy lông, người ta nhận ra cần 1 thứ mà tất cả đều đồng ý là có giá trị và nó phải khó khai thác, thế là vàng được lựa chọn làm trung gian thanh toán.

Nhưng rồi vì vàng dễ bị trộn với các loại kim loại khác, dẫn tới thiệt hại cho nền kinh tế, những vị vua thời đó bắt đầu đứng ra gom hết vàng trong vương quốc, đem chúng đúc thành những đồng vàng nhỏ có in hình của quốc vương cai trị hay thần linh mà họ tôn thờ, từ đó tiền được ra đời, lúc này 1 đồng tiền chính là 1 đồng vàng, và vì vàng là vật liệu quý nên tiền lúc này hiển nhiên rất có giá trị.

Sau một thời gian, vấn đề mới phát sinh, vì nhu cầu giao dịch quá lớn, dẫn tới lượng tiền vàng không đủ cung cấp, triều đình lại đi đến một quyết định, họ tạo ra một loại tiền tệ mới, có thể bằng kim loại như đồng, sắt hoặc bằng giấy, dùng uy quyền của triều đình và vàng trong ngân khố quốc gia để đảm bảo với dân chúng rằng những đồng tiền mới kia sẽ có giá trị tương đương với đồng vàng, thế là một loại tiền tệ mới ra đời, tiền tệ giờ đây được bảo hộ bằng vàng, đây là chế độ bản vị vàng, lúc này tiền vẫn còn có giá trị, bởi nó được bảo hộ bằng vàng.

Sau nhiều biến cố trong lịch sử, cụ thể là qua nhiều cuộc chiến tranh và sự tiêu xài quá độ của giới cầm quyền, vàng trong ngân khố đã cạn, nhà cầm quyền bắt đầu bãi bỏ chế độ bản vị vàng, giờ đây tiền không còn được bảo hộ bởi vàng nữa và nó sẽ được thả nổi theo giá thị trường, được điều chỉnh bởi chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, loại tiền tệ mới này chính là tiền mà ngày nay chúng ta đang dùng.

Chúng ta đã đi qua những giai đoạn cơ bản nhất trong lịch sử tiền tệ, từ khi tiền chưa tồn tại và con người phải trao đổi bằng hàng hóa đến khi tiền có giá trị vì được bảo hộ bởi vàng và cuối cùng trở thành những tờ giấy vô giá trị được bảo hộ bởi những nhà cầm quyền. Những điều trên là sự tóm tắt cực kỳ ngắn gọn về lịch sử tiền tệ để bạn dễ hiểu, thực tế quá trình phát triển của tiền tệ sẽ dài hơn và không tương đồng ở các quốc gia, nếu bạn tò mò có thể tìm đọc những tài liệu chính thống hơn về lịch sử tiền tệ, chủ yếu mình muốn bạn hiểu rằng, tiền mà chúng ta đang dùng hiện nay chỉ là những tờ giấy vô giá trị được đảm bảo bởi nhà cầm quyền của từng quốc gia rằng nó có giá trị, được dùng như trung gian thanh toán, nơi cất giữ tài sản và là thước đo giá trị tài sản. Giờ đây tiền của một quốc gia được coi là có giá trị bởi nó đại diện cho khối tài sản của cả quốc gia đó, cho nền kinh tế của quốc gia đó, nền kinh tế càng phát triển thì đồng tiền càng mạnh và giá trị của chúng càng ổn định, còn về bản chất, bản thân tờ tiền đó chỉ là một tờ giấy vô giá trị, bằng chứng là nhiều đồng tiền có thể dùng ở quốc gia này nhưng lại không thể dùng ở quốc gia khác.

Một ví dụ để bạn dễ hình dung về sự vô giá trị của tiền là hãy nhìn những cuộc siêu lạm phát tại Venezuela, Zimbabwe hay Hungary, khi mà có lúc một gánh tiền chỉ đổi được một ổ bánh mì, mình không sống ở những quốc gia đó, nhưng mình tin rằng khi đi toilet, người dân ở đó sẽ dùng tiền thay cho giấy vệ sinh vì đó là giải pháp kinh tế hơn nhiều. Dĩ nhiên giá trị của một thứ còn được đánh giá bởi góc độ mà bạn nhìn nó, nếu bạn nhìn với góc độ giá trị sử dụng thì tiền sẽ có giá trị là trung gian thanh toán giúp vận hành mượt mà nền kinh tế, còn nếu xét trên góc độ là tài sản thì tiền hoàn toàn không có giá trị và theo mình thì nó không được xem là một tài sản.

Giá Trị Của Crypto

Nếu như ngay cả tiền pháp định mà mình còn bảo là nó vô giá trị thì tiền mã hóa (crypto) đối với mình cũng vô giá trị đúng không, như đã nói nó tùy vào góc độ bạn đánh giá chúng.

Đúng là nhìn với góc độ tiền tệ thì nếu như tiền pháp định còn được xem là không có giá trị thì thật khó để nói rằng crypto sẽ có giá trị, nhất là khi vấn đề xem crypto là tiền tệ, chứng khoán hay tài sản vẫn còn đang tranh cãi. Ví dụ như Bitcoin, hiện đang ở mức hơn 43 ngàn đô sẽ không thể là một trung gian thanh toán hiệu quả khi giá của nó quá cao và phí gas để giao dịch quá lớn. Chỉ cần nhìn ở nước ta, khi chỉ cần bạn đưa tờ 500k ra là người bán hàng sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt ái ngại thì bạn sẽ hiểu là crypto càng có giá cao bao nhiêu, giá trị của nó như là một trung gian thanh toán sẽ giảm bấy nhiêu, nên nếu coi crypto là tiền tệ để thanh toán thì chúng thực sự không phải là một trung gian thanh toán hiệu quả khi chúng có giá và chi phí giao dịch quá cao.

Nếu xét theo góc độ là tài sản thì không như vàng về bản chất là kim loại quý có thể được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, người ta không thể dùng crypto cho bất kỳ mục đích nào khác, nên xét theo góc độ là tài sản thì crypto khó có thể được coi là tài sản.

Hiện nay mỗi nền tảng đang có đồng coin riêng và mỗi dự án lại có những token riêng. Không như chứng khoán, thứ được bảo hộ bởi pháp luật đi kèm với quyền và nghĩa vụ của các bên, về bản chất những đồng coin hay token không hề liên quan gì đến dự án phía sau nó xét về mặt pháp lý. Nếu việc sở hữu cổ phiếu một công ty đồng nghĩa với việc bạn sở hữu một phần của công ty đó, thì việc sở hữu coin hay token của một công ty hay dự án không đồng nghĩa với việc bạn sở hữu một phần công ty hay dự án đó, cho dù bạn sở hữu bao nhiêu coin hay token của công ty, người chủ sở hữu công ty đó về mặt pháp luật vẫn là những người sáng lập. Trong khi chờ chính phủ các nước thống nhất sẽ xếp crypto vào tiền tệ, tài sản hay chứng khoán để quản lý thì bạn cần hiểu rằng nếu bạn sở hữu token của một dự án, về bản chất bạn đang bỏ tiền cho một thứ về bản chất là không có giá trị và vì thế mà giá của những đồng token đó giao động kinh khủng theo niềm tin của thị trường, nó có thể rất cao hôm nay nhưng hoàn toàn có thể về không ngay hôm sau.

Vậy tại sao người ta lại bỏ tiền vào một thứ vô giá trị? Bỏ qua các yếu tố Fomo và lòng tham của những chú gà thiếu hiểu biết, hãy thử nhìn nhận lại một lần nữa về giá trị của crypto ở một khía cạnh khác. Như đã nói, một thứ sẽ có giá trị hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào góc độ mà bạn nhìn nhận nó, ví dụ như tiền pháp định sẽ không có giá trị nếu xét theo góc độ là 1 tài sản, nhưng lại có giá trị là trung gian thanh toán, nơi cất giữ tài sản và là thước đo tài sản, tương tự, crypto dù không hiệu quả lắm trong việc trở thành trung gian thanh toán, nhưng nó lại có giá trị cất giữ tài sản và là thước đo tài sản khá tốt, ngoài ra crypto còn những ưu điểm lớn giúp khẳng định giá trị của nó so với tiền pháp định.

Ưu điểm đầu tiên có thể thấy là tính minh bạch, nhờ công nghệ blockchain, về mặt lý thuyết, bạn hoàn toàn có thể theo dõi mọi giao dịch của dự án, nhờ đó kiểm soát tốt hơn dòng tiền của dự án, thứ mà bạn sẽ khó mà làm được với tiền pháp định.

Ưu điểm tiếp theo là khả năng kiểm soát lạm phát tốt hơn, nếu mình hỏi bạn hiện có bao nhiêu đồng đô la (USD) trên toàn thế giới thì bạn có trả lời được không, nhiều khả năng là không. Nhưng nếu được hỏi số lượng đồng token của dự án nào đó, nhiều khả năng bạn có thể trả lời được. Việc luôn biết rõ số lượng hay thậm chí là giới hạn số lượng, khiến crypto trở thành một nơi cất giữ tài sản rất tốt bởi khả năng kiểm soát lạm phát về mặt lý thuyết là tốt hơn tiền pháp định.

Ưu điểm cuối cùng mà mình chỉ ra ở bài viết này là crypto trao quyền kiểm soát tiền tệ vào tay người dân. Như đã nói ở trên, người dân chấp nhận để tiền pháp định được bảo hộ bởi nhà cầm quyền vì trước khi crypto ra đời không ai đủ uy tín và quyền lực để in tiền ngoài những nhà cầm quyền. Giờ đây với sự minh bạch của công nghệ blockchain, người dân sẽ có tiền tệ của riêng họ, được đảm bảo gần như tuyệt đối và có thể giao dịch đa quốc gia, crypto thực sự là cách mạng của tiền tệ.

Tóm lại, theo quan điểm của mình, nếu xét trên góc độ là tài sản, cả tiền pháp định lẫn crypto đều vô giá trị, nhưng nếu xét theo góc độ là công cụ giúp vận hành nền kinh tế, là trung gian thanh toán, là công cụ cất giữ hay đo lường tài sản thì tiền pháp định và crypto đều có thể làm tốt vai trò của nó, tuy nhiên crypto vẫn còn một chặng đường dài để khẳng định giá trị của nó, và với số lượng coin và token đang quá nhiều trên thị trường, sẽ cần một cuộc đại thanh tẩy để lọc ra những đồng coin chất lượng nhất. Theo quan điểm của mình, một trung gian thanh toán tốt phải có giá và chi phí giao dịch đủ rẻ để tiện cho việc giao dịch, nên nếu đồng coin nào có giá càng cao, nó sẽ dần đánh mất khả năng trở thành một trung gian thanh toán, khi đó nó chỉ có thể là nơi cất giữ hay là thước đo tài sản.

By Tiểu Long GameFi NFT Team – Coming.io

Xem thêm nhiều bài viết thú vị hơn về NFT, GameFi và Crypto

👉 https://coming.io/blog/

Tham gia cộng đồng Coming.io – Vietnam NFT Artist, Collector & Gamer

👉 Telegram: https://t.me/comingiopublic

👉 Website: www.coming.vn | Coming.io

👉 Fanpage: https://facebook.com/ComingOfficial/

👉 Group FB: https://facebook.com/groups/coming.vn

👉 Youtube: https://youtube.com/channel/UC69JiLaAfrbp8eLgdVcJG9Q 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment