Không biết có ai giống như mình không nhỉ, tìm tòi nghiên cứu chiêm nghiệm thị trường tiền ảo được cả một quãng thời gian, ngày nào cũng lần mò vào các trang web, đọc đủ thể loại bài viết về crypto trên “tả bí lù” các blog, dần dần khi đã tích góp được kha khá kiến thức, tuyệt chiêu lẫn bí thuật thì mới bắt đầu xách khiên, giáo, mỏ lên đường đi chinh phạt những “tên khổng lồ” lừng danh nhất. Kinh nghiệm tích lũy dần dà là thế, vậy mà phải tới khoảng thời gian gần đây, mình mới được giác ngộ cái chân lý gọi là semantic web, hay còn được biết đến với cái tên thân thương hơn là Web 3.0. Đây chính là tiền đề phía sau cho sự phát triển của blockchain nói chung và crypto nói riêng, là tương lai của toàn thế giới về một thế hệ internet năng động, tự chủ, giàu tính tương tác giữa người dùng và bản chất ứng dụng công nghệ cao.
Để có được Web 3.0, ta không thể quên đi cha mẹ đẻ là Web 1.0 và Web 2.0
Trước khi luyên thuyên về sự nảy nở của Web 3.0 cùng với các tính năng đặc trưng của nó, mình xin phép điểm sơ lại về toàn bộ quá trình phát triển của Internet từ những ngày đầu tiên nhất. Vì không phải đơn thuần mà Web 3.0 được sinh ra từ hư vô, tất cả đều là sản phẩm của một quá trình tiến hóa phát triển không ngừng khi con người sử dụng, nghiên cứu và đắm chìm vào thế giới Internet, để rồi trong quá trình đó chúng ta phát hiện ra những điểm yếu cần khắc phục của nền tảng web hiện tại. Vì lẽ đó, Web 3.0 dù chỉ mới mom mem ló mặt và chưa thực sự phát triển, nhưng sự thịnh vượng của nó theo mình nghĩ, vốn là điều tất yếu không thể tránh khỏi trong một tương lai không xa.
Web 1.0 (Static web)
Được thành lập vào năm 1990, định nghĩa đơn thuần của Internet đã được mọi người biết đến như là một thế giới mở nơi tất cả thông tin con người cần đều hiện hữu ở đó. Internet lúc này chính là sản phẩm đầu tiên và đầy hứa hẹn nhất cho một định nghĩa về thế giới ảo kết nối mọi người lại với nhau. Chỉ cần có người có nhu cầu tìm kiếm, tra cứu hay học hỏi về một dữ liệu nhất định, tất thảy sẽ có người cung cấp những thông tin và dữ liệu đó. Song, Web 1.0 cũng chỉ dừng lại ở mối quan hệ “đường một chiều” giữa chủ sở hữu website và người dùng Internet, khi người dùng chỉ có thể tiếp nhận thông tin mà không thể làm gì khác như phản hồi, tương tác hay trao đổi với người chủ website.
Web 2.0 (Social web)
Nhận diện được khuyết điểm của thế hệ Web 1.0 là thế, bắt đầu từ giai đoạn 2004-2005 cả thế giới đã được chứng kiến sự hình thành của thế hệ Internet thứ hai, còn được gọi là Web 2.0. Web 2.0 đúng nghĩa được sinh ra để khắc phục những gì mà Web 1.0 chưa đóng góp được, chính là sự tương tác giữa người dùng và người chủ trang web. Cùng với việc ứng dụng sự phát triển của công nghệ web (web technologies), điển hình cơ bản là Javascript, HTML5 hay CSS3 mà Web 2.0 đã có thể cho phép người dùng được bình luận, chia sẻ, đăng ký tài khoản trên Facebook hay đăng tải video trên Youtube. Internet giờ đây đã và đang trở nên thú vị hơn bao giờ hết, khi con người có thể liên lạc và tương tác qua lại với nhau bằng đủ mọi hình thức, không quan trọng là họ đang ở đâu, chênh lệch múi giờ như thế nào hay có phải là người quen hay không. Ở thế giới 2.0 này, dữ liệu có thể được tạo ra, phân bổ và chia sẻ giữa nhiều nền tảng (platforms) và ứng dụng khác nhau. Web 2.0 còn cho phép các website có khả năng tách các yêu cầu gửi lên hệ thống và tiếp nhận dữ liệu phản hồi riêng biệt, giúp cho việc load lại toàn bộ website sau mỗi lần thao tác là không cần thiết.
Web 3.0 (Semantic web) ra đời và những đặc điểm nổi bật
Con người đang tận hưởng hết mình những lợi ích mà Web 2.0 đem lại thì bỗng nhiên một ngày đẹp trời, chúng ta nhận ra ta lại cần nhiều hơn thế. Tính tương tác cao thì vui đấy, và không thể phủ nhận rằng ta vẫn cần nó mỗi ngày, nhưng liệu có một phương pháp hay cách thức nào khác để mọi việc được tiến hành nhanh chóng hơn không? Thay vì phải truy cập quá nhiều website để giải quyết một vấn đề, liệu có thể có một khả năng nào đó cho việc hợp nhất các website lại với nhau để việc chia sẻ, xử lý và trao đổi dữ liệu diễn ra dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn không?
Vâng, và Web 3.0 được ra đời chính là để trả lời cho câu hỏi “nhức nách” đó. Tầm nhìn của Web 3.0 nằm ở việc tạo ra các trang web thông minh với khả năng kết nối vạn vật (khái niệm Internet of Things, IoT) nhờ ứng dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong việc chạy các chương trình hay xử lý dữ liệu để hỗ trợ người dùng. Có thể nói, Web 3.0 là một thế hệ Internet thông minh tiếp theo đầy tiềm năng giúp đẩy mạnh khả năng tương thích giữa hệ thống, con người và các thiết bị khiến cho việc xử lý thông tin được diễn ra thuận tiện và nhanh chóng hơn.
Các tính năng nổi bật giúp Web 3.0 “nổi đình nổi đám” có thể kể đến như sau:
Ubiquity: Tính đồng thời ở mọi nơi
Nói đơn giản mà dễ hiểu, Ubiquity có nghĩa là mang trong mình khả năng hiện diện đồng thời ở mọi nơi cùng một lúc (omnipresent). Nếu ở thời đại Web 2.0, người dùng mạng xã hội có thể tương tác chia sẻ một bức hình nào đó cho nhiều người, biến bức hình đó thành “omnipresent” đối với người dùng mạng xã hội thì ở thế hệ Web 3.0 hiện tại, bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào Internet, bất kể địa điểm và thời gian. Tính năng này cũng bao hàm luôn cả việc truy cập Internet sẽ không gói gọn cho máy tính hay điện thoại cá nhân nữa, mà bất kỳ thiết bị điện tử nào cũng có thể truy cập được, ví dụ điển hình là smart watch.
Semantic web: Web ngữ nghĩa
Semantic web, hay còn gọi là web ngữ nghĩa bởi vì khả năng nâng cao trong việc phân tích, đánh giá và khai thác dữ liệu dựa trên mặt ý nghĩa cũng như cảm xúc của từ ngữ, chứ không chỉ dựa trên mặt chữ như thông thường. Đây là một trong những tính năng đặc trưng giúp cho Web 3.0 mang trong mình sức mạnh phân giải để xử lý thông tin dữ liệu một cách thông minh, chính xác và nhanh gọn nhất.
Artificial Intelligence (AI): Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo chắc hẳn đã không còn là điều gì xa lạ với người dùng công nghệ hiện đại của thế kỷ 21, khi Apple giới thiệu tính năng Siri – một người trợ thủ đắc lực hay Google Assistant được phát triển bởi chính công ty Google. Trí tuệ nhân tạo là một sản phẩm đầy tiềm năng của tương lai, khi máy móc có thể hỗ trợ con người trong hầu hết tất cả mọi việc, có mặt những khi con người cần, có đầy đủ dữ liệu và khả năng phân tích, đánh giá, nhận xét để đưa ra thông tin cần thiết với độ chính xác cao, giảm thiểu tính thiên vị hay quan điểm cá nhân (bias) vốn có của thế hệ Web 2.0 hiện tại.
3D Graphics: Đồ họa 3D
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, Web 3.0 mở ra sự phát triển và ứng dụng cao của đồ họa 3D, khi nó dần xóa bỏ ranh giới giữa thực tế và kỹ thuật số qua việc cung cấp các hình ảnh thiết kế mô phỏng gần giống với ngoài đời nhất. Nhờ việc áp dụng công nghệ đồ họa 3 chiều này, người dùng Internet giờ đây sẽ được nâng cao trải nghiệm với chất lượng hình ảnh sống động, nhiều màu sắc, mang tính mô phỏng cao thông qua các ứng dụng game 3D thịnh hành hay các lĩnh vực khác như bất động sản, thương mại điện tải (E-commerce), sức khỏe, …