Hạn chế của ChatGPT: Những điều bạn cần biết

Chỉ sau vài tháng kể từ khi xuất hiện, ChatGPT đã tạo ra một xu hướng toàn cầu. Công cụ này đã khiến ông lớn Google phải cấp tốc kêu gọi toàn bộ nhân viên tham gia thử nghiệm để phát triển một chatbox đối thủ có thể cạnh tranh với công cụ sáng tạo nội dung mới này. Tuy nhiên công cụ này vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng. Trong bài viết ngày hôm nay, Coming sẽ cùng phân tích và đánh giá những ưu khuyết điểm của ChatGPT để giúp người dùng đưa ra đánh giá khách quan về làn sóng mới này trong lĩnh vực công nghệ.

ChatGPT là gì?

ChatGPT là viết tắt của cụm từ Chat Generation Pre-training Transformer, đây là một công cụ được phát triển bởi công ty OpenAI trên nền tảng là công nghệ AI. Có thể hiểu đơn giản đây là một dạng trí thông minh nhân tạo hoạt động dưới hình thức đối thoại. Công cụ này sẽ mô phỏng các cuộc đối thoại trong quá trình tương tác với người dùng và giúp việc tra cứu thông tin không còn một chiều và nhàm chán như khi người dùng sử dụng các công cụ tìm kiếm.

Nguyên lý hoạt động của ChatGPT là ghi nhận nội dung câu hỏi của người dùng sau đó sử dụng những thông tin tổng hợp được trên Internet để phát triển câu trả lời. Có khoảng 570GB thông tin và 300 tỷ từ được ghi nhận trong hệ thống từ nhiều nguồn khác nhau. Theo công cụ phân tích từ khoá Semrush, chỉ sau một thời gian ngắn từ khoá “ChatGPT” đã đạt đến một triệu lượt tìm kiếm tại các nước như Mỹ hay Australia. Có thể nói công cụ này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách chúng ta tạo ra và chia sẻ nội dung kỹ thuật số.

Những tính năng của ChatGPT

ChatGPT có rất nhiều tính năng hữu ích, tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, Coming chỉ điểm sơ qua những tính năng nổi bật và quan trọng nhất bao gồm:

Sáng tạo nội dung

Sử dụng các dữ liệu được cài đặt sẵn trong hệ thống và cập nhập từ nhiều nguồn qua các thuật toán học sâu, về cơ bản,ChatGPT có thể thực hiện hầu hết các yêu cầu sáng tạo nội dung của người dùng. Sau khi ra mắt, ChatGPT thường được sử dụng để thử nghiệm viết văn, phát triển gợi ý và đề xuất. ChatGPT có thể dịch thuật được nhiều ngôn ngữ và có khả năng viết bài một cách logic và rành mạch, vì vậy cũng có thể dùng để xây dựng các dàn ý cho những luận văn khoa học.

Ngoài ra, các nhà sáng tạo nội dung cũng có thể yêu cầu ChatGPT tóm tắt nội dung từ một đoạn video hoặc văn bản có sẵn rồi từ đó xây dựng nên một nội dung hoàn toàn mới. Có thể nói nếu được sử dụng đúng cách, ChatGPT có thể trở thành cánh tay phải của ngành Marketing và các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng kỹ thuật số.

Ứng dụng trong ngành dịch vụ và chăm sóc khách hàng

Bản thân ChatGPT là một chatbot tự động, nên như một lẽ dĩ nhiên công cụ này có thể được ứng dụng để tạo ra các phản hồi tự động cho khách hàng. Ngoài ra, ChatGPT còn có thể sử dụng đa ngôn ngữ và có khả năng phân tích ý kiến của khách hàng dựa trên những thông tin là các đoạn văn bản trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc các trang web khác. Qua đó, chủ doanh nghiệp có thể hiểu và xác định được khách hàng tiềm năng của mình, đồng thời đưa ra chiến lược phản hồi mà không cần tốn quá nhiều thời gian trong việc phân tích hành vi khách hàng.

Lập trình ứng dụng

Một lập trình viên tên Daniel Tait đã nhận ra một khả năng đáng kinh ngạc khác của công cụ sáng tạo nội dung ChatGPT trong việc lập trình một ứng dụng trò chơi chỉ sau vài ba mô tả đơn giản của người dùng. Cụ thể hơn, công cụ này đã sáng tạo, lập trình và đặt tên cho một trò chơi hoàn toàn mới có tên Sumplete dựa trên nền tảng của trò chơi Sudoku nổi tiếng.
Đầu tiên, Tait yêu cầu ChatGPT đề cử danh sách các trò chơi thích hợp cho những fan hâm mộ của trò Sudoku. Sau đó anh đề nghị công cụ này sáng tạo một trò chơi mới có quy tắc tương tự như Sudoku, kết quả trả về là hai trò chơi có tên Labyrinth Sudoku và Sum Delete. Yêu cầu tiếp theo của Tait là hãy lập trình lại Sum Delete bằng hai ngôn ngữ lập trình HTML và JavaScript. Sau vài giờ đồng hồ đối thoại với ChatGPT để hoàn thiện việc lập trình và thiết kế, ChatGPT đã trả về kết quả là phiên bản hoàn chỉnh của Sumplete. Như vậy, chỉ với một chút chỉ dẫn của con người, ChatGPT đã có khả năng tạo ra một ứng dụng hoàn toàn mới.

Một số vấn đề người dùng thường gặp phải khi sử dụng ChatGPT

Tuy có nhiều tính năng hấp dẫn là vậy, nhưng những rào cản người dùng gặp phải khi trải nghiệm ChatGPT vẫn là không thể bỏ qua. Những hạn chế này sẽ được giải thích kỹ hơn trong mục này của bài viết.

Đăng ký tài khoản phức tạp

Để có thể truy cập và sử dụng công cụ sáng tạo nội dung ChatGPT, người dùng được yêu cầu phải đăng ký sẵn tài khoản OpenAI. Tuy nhiên, OpenAI vẫn chưa hỗ trợ mở dịch vụ và bỏ chặn truy cập ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, người dùng Việt Nam bắt buộc phải đổi địa chỉ máy chủ sang các quốc gia được OpenAI hỗ trợ ví dụ như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc,… Sau khi đổi địa chỉ máy chủ, người dùng còn phải có một số điện thoại ảo ở quốc gia tương ứng để nhận tin nhắn xác thực rồi mới có thể bắt đầu trải nghiệm ChatGPT.
Như vậy, công cụ này vẫn chưa hoàn toàn thân thiện và dễ sử dụng với người dùng ở Việt Nam. Người dùng vẫn cần sự hỗ trợ của các bên thứ ba để có thể tham gia vào cộng đồng của ChatGPT.

Hệ thống quá tải

Sự phát triển vũ bão của ChatGPT thậm chí còn vượt ngoài mong đợi của những người đã tạo ra nó. Vào ngày 21/2 năm nay, hệ thống ChatGPT đã bất ngờ sập do quá tải số lượng người dùng. Khi cố truy cập vào website, người dùng sẽ nhận được thông báo rằng họ sẽ phải chờ đợi trong khi đội ngũ OpenAI tìm ra cách khắc phục.

ChatGPT quá tải số lượng người dùng vào tháng 2 năm 2023

Trang DownDetector cho biết sau 14h, số lượng các tài khoản báo lỗi không thể đăng nhập đã tăng liên tục. Thậm chí các tài khoản trả phí để sử dụng dịch vụ ChatGPT Plus cũng bị ảnh hưởng, đi ngược lại tuyên bố trước đó của OpenAI. Không chỉ ChatGPT hay ChatGPT Plus mà một công cụ khác cũng thuộc công ty này là Playground cũng không hoạt động. Sau đó, OpenAI đã thừa nhận tất cả các sản phẩm thuộc hệ thống đều gặp sự cố. Đến sau 20h cùng ngày, công ty mới đưa ra thông báo rằng sự cố đã được khắc phục, tuy nhiên người dùng của công cụ này phàn nàn rằng họ vẫn gặp khó khăn khi đăng nhập.

Câu trả lời không chính xác

Theo đánh giá của các chuyên gia, những câu trả lời của ChatGPT vẫn chưa thể đạt được độ chính xác cao, và chắc chắn là chưa thể thay thế được con người. Dù công cụ sáng tạo nội dung này có thể chiết xuất thông tin, tuy nhiên vẫn chưa thể phân biệt được câu trả lời nào là đúng. Có thể dễ dàng nhận ra rằng công cụ này chỉ học qua những dữ liệu nó thu thập được trên mạng chứ chưa thể đi sâu vào nghiên cứu và tính ra điểm bất hợp lý của kết quả hay sàng lọc các thông tin giá trị. CTO của OpenAI – Mira Murati, đã thừa nhận rằng công cụ sáng tạo nội dung này có khả năng bịa ra sự thật và câu trả lời của nó không phải lúc nào cũng chính xác.


Ngoài ra, ChatGPT vẫn chưa thể mở rộng vấn đề hay biến đổi đa dạng cách tiếp cận vấn đề để đưa ra cái nhìn toàn diện cho người dùng. Cá biệt có trường hợp câu trả lời của ChatGPT đưa ra còn ngô nghê, lạc đề với tư duy còn hạn chế. Người dùng sẽ cần xác minh độ chính xác của câu trả lời ChatGPT đưa ra trước khi quyết định tham khảo những thông tin này.
Cuối cùng nhưng chưa phải tất cả, một khiếm khuyết nghiêm trọng của ChatGPT là công cụ này chưa được cập nhập các sự kiện mới nhất. Phía OpenAI cho biết công cụ này chưa được cập nhập các sự kiện diễn ra từ năm 2021 đến nay.

Chất lượng câu hỏi ảnh hưởng đến chất lượng câu trả lời

ChatGPT có xu hướng không hiểu được những ngữ cảnh lắt léo hoặc có yếu tố châm biếm hay hài hước. Dù không gặp vấn đề trong việc xử lý ngữ pháp, nhưng ChatGPT vẫn chưa có khả năng nắm bắt hay phân tích được các sắc thái phức tạp trong đối thoại của con người. Trong trường hợp này, ChatGPT có thể đưa ra một câu trả lời hoàn toàn lạc đề và không đáp ứng được nhu cầu của người dùng.
Ngoài ra, câu hỏi quá sơ sài hay quá phức tạp cũng sẽ khiến ChatGPT gặp khó khăn trong việc xử lý. Câu hỏi quá sơ sài sẽ dẫn đến việc câu trả lời cũng trở nên sơ sài, chung chung và không có giá trị tham khảo. Ngược lại, câu hỏi quá phức tạp có thể khiến ChatGPT không nắm bắt được ý định của người dùng và phản hồi một đáp án hoàn toàn lạc đề. Người dùng cần đặt những câu hỏi ngắn gọn, trực tiếp và mô tả rõ ràng mục đích của mình; tuy nhiên trong nhiều trường hợp, ChatGPT vẫn sẽ hiểu sai và không thể cung cấp trải nghiệm như ý trong quá trình sử dụng.

Kết luận

Nhìn chung, các khuyết điểm của ChatGPT vẫn là khá nghiêm trọng và có thể cản bước công cụ này trong hành trình tiếp cận những người dùng tiềm năng. Tuy nhiên, ChatGPT và công nghệ AI đằng sau nó vẫn đang phát triển nhanh chóng và đã tạo ra một xu hướng mạnh mẽ trong ngành công nghệ thông tin. Nếu bạn có hứng thú với ChatGPT nói riêng và công nghệ AI nói chung thì có thể theo dõi các bài viết và dự án trên blog Coming.io. Hãy để chúng tôi có cơ hội tư vấn và giúp bạn có được các trải nghiệm tân tiến nhất mà làn sóng mới này có thể mang lại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment